Prima.vn - Cổng thông tin điện tử ngành in và bao bì Việt Nam
Trang chủ » ADOBE NGƯNG TÍCH HỢP THƯ VIỆN MÀU CỦA PANTONE VÀ HỆ QUẢ CỦA NÓ

Chia sẻ

CHẤT LƯỢNG / Featured news / TIN TỨC / TRƯỚC IN

ADOBE NGƯNG TÍCH HỢP THƯ VIỆN MÀU CỦA PANTONE VÀ HỆ QUẢ CỦA NÓ

ADOBE NGƯNG TÍCH HỢP THƯ VIỆN MÀU CỦA PANTONE VÀ HỆ QUẢ CỦA NÓ

Dịch bởi: Jimmy Nguyễn

ADOBE NGƯNG TÍCH HỢP THƯ VIỆN MÀU CỦA PANTONE VÀ HỆ QUẢ CỦA NÓ

Năm 2022 đã bắt đầu với tin tức có lẽ là chấn động nhất trong ngành công nghiệp in suốt nhiều năm qua: “Adobe sẽ ngừng việc tích hợp các thư viện Pantone từ tháng 3 năm 2022!” Và tất yếu, việc này sẽ ảnh hưởng đến bất cứ ai tham gia vào quá trình thiết kế và in ấn. Tuyên bố này vẫn làm cho mọi người kinh ngạc dù đã có những dấu hiệu cảnh báo. Những người cung cấp bản quyền hay những nhà phát triển ứng dụng liên qua đến thư viện Pantone hiển nhiên đã phải có sự chuẩn bị.

Các tuyên bố chính thức của cả hai công ty đều rất tích cực và hứa hẹn rằng dù sự tác hợp đã kết thúc thì Adobe và Pantone vẫn tiếp tục hợp tác để mang đến cho người dùng trải nghiệm thực tế tốt nhất. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin thân cận lại đang cho thấy một câu chuyện khác. Adobe không còn sẵn sàng trả phí bản quyền cho Pantone. Trong vài năm qua, Pantone tập trung vào PantoneLIVE và chuyển hoạt động kinh doanh sang hướng dịch vụ đăng ký theo tài khoản. Pantone còn phát triển một tiện ích mở rộng có thể được sử dụng với các phần mềm Adobe, cho phép truy cập vào các thư viện Pantone trực tuyến trên PantoneLIVE. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi người dùng phải đăng ký dịch vụ ngay từ trên Adobe Creative Cloud. Pantone đang thúc đẩy người dùng hướng tới mô hình đó và Adobe không sẵn sàng tạo điều kiện bằng cách gộp phí bản quyền Pantone vào phí đăng ký dịch vụ của họ như trước đây.

Pantone đã trở nên cực kỳ thông dụng trong thời kỳ mà in offset và in lụa còn thống trị trong nhận thức của người thiết kế. Tuy nhiên, đối với nhà cung cấp dịch vụ in hiện đại, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác: in màu Pantone ngày càng trở nên khó khăn với việc số hóa công nghệ in ấn. Và câu hỏi là: điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Việc Pantone chuyển sang một mô hình dịch vụ riêng biệt cho từng người dùng sẽ mang lại thành công? Hệ thống so màu Pantone có còn là giải pháp tốt nhất khi làm việc với các màu sắc thương hiệu cụ thể? Để trả lời điều này, chúng ta hãy đào sâu hơn một chút về công nghệ và khoa học đằng sau việc in màu chính xác!

LỊCH SỬ

Có thể bạn không tin nổi là Pantone khởi đầu là một công ty pha mực – trộn các sắc tố thành các màu cụ thể rồi đặt tên cho chúng. Điều này rất hữu dụng vì nó giúp các nhà thiết kế và nhà in dễ dàng trao đổi về màu sắc. Thay vì trao đổi các công thức kèm tỉ lệ phần trăm mực phối trộn, bây giờ họ chỉ cần dùng tên của màu sắc họ muốn – như gọi món bằng thực đơn tại một nhà hàng. Bộ quạt màu Pantone ngày nay chứa hơn 1300 màu sắc khác nhau, trong đó khoảng 15 màu được đặt tên; Những màu còn lại được gán những con số cụ thể. Tất cả các màu còn lại được tạo ra bằng cách trộn 15 màu mực đã đặt tên bằng cách sử dụng các công thức tỉ lệ trong cuốn quạt màu Pantone, ngay bên dưới từng ô màu.

Hệ thống này đã tạo ra một cuộc cách mạng, nhất là vào cái thời mà mỗi công ty in offset lớn phải trữ cả một hệ thống khổng lồ những lon mực pha sẵn được đánh tên. Và tất nhiên, sự giản tiện này phải đi kèm với chi phí. Việc trộn màu này ban đầu được thực hiện thủ công với những cái cân, rồi sau đó là bằng những hệ thống trộn mực đắt tiền hoàn toàn tự động. Chưa hết, việc này luôn yêu cầu phải có thêm bản tách màu thứ năm (hoặc nhiều hơn) vào quá trình in. Khi công nghệ in offset được chuẩn hóa thông qua các tiêu chuẩn như ISO, SWOP và EuroScale, Pantone cũng bắt đầu cung cấp những cuốn quạt màu Pantone Process. Trong đó, ta sẽ thấy các màu Pantone trông ra sao khi in bằng hệ màu CMYK. Khi đó màu sắc ít sống động hơn nhưng bù lại sẽ không cần sử dụng thêm một kênh màu mới.

PANTONE VÀ IN KỸ THUẬT SỐ

In kỹ thuật số đã trở thành một thách thức đối với Pantone vì người dùng không còn có thể thêm kênh màu bổ sung vào hệ mực CMYK tiêu chuẩn của họ. Ngành in bắt đầu gọi màu Pantone là “màu pha” và màu CMYK “màu process”. Chưa hết, trong in kỹ thuật số thì màu process lại không được tiêu chuẩn hóa như in offset và in lụa. Điều này có nghĩa là mỗi nhà sản xuất đang sử dụng một màu khác nhau của cyan, red (đỏ tươi), yellow (vàng) và black (đen). Ngoài ra, sự đa dạng của vật liệu sẽ làm cho các màu process này trông khác nhau trên từng vật liệu, việc này khiến cho Pantone không thể đưa ra công thức phối trộn dưới dạng quạt màu nữa. Nên họ bắt đầu bán bản quyền thư viện màu của họ dưới dạng định danh số cho các nhà sản xuất máy in và các nhà sản xuất phần mềm RIP. Các thư viện này được mã hóa và chứa các giá trị toán học cho tất cả màu của Pantone.

Phần mềm RIP được lập trình để nhận ra màu pha đã được định danh trong một tệp thiết kế và sau đó tra cứu giá trị toán học cho màu pha đó trong thư viện của Pantone. Những giá trị này sau đó được xử lý thông qua một hồ sơ ICC để tính toán tỉ lệ phối trộn 4 màu C, M, Y, K một cách chính xác để in được màu mong muốn đúng nhất có thể. Đây là một thách thức lớn, vì hầu hết các máy in hệ màu CMYK không thể tạo ra tất cả các màu của Pantone, dẫn đến sự tồn tại của những “màu kỳ lân” (ND). Mọi thợ in đều biết mức độ khó khăn (hoặc thậm chí là bất khả) của việc in màu Pantone Orange hoặc Pantone Reflex Blue. Ngay cả khi đã có tỉ lệ phối trộn chính xác, chúng ta vẫn phải đối mặt với thách thức rằng những màu sắc này sẽ nhìn khác nhau trên các vật liệu khác nhau. Đó là lý do tại sao với hầu hết các công ty thì hệ thống so màu Pantone không còn hiệu quả như trước đây và phải thường xuyên giải đáp cho các agency quảng cáo, các chủ nhãn hàng về hạn chế của công nghệ – những người sẽ vô cùng kinh ngạc khi biết rằng thiết bị in kỹ thuật số đắt tiền và phần mềm chuyên dụng không thể in một cái gì đó đơn giản như “màu Pantone”.

TƯƠNG LAI

Với mảng in khổ lớn, Pantone còn có ý nghĩa nhiều hơn chỉ là một hệ thống liên lạc. Trước kia, hệ thống quy ước đặt tên của Pantone đã giải quyết được hầu hết mọi vấn đề về màu sắc thì nay sự phức tạp của in kỹ thuật số đã làm xói mòn nặng nề giá trị của nó. Điều phức tạp hơn nữa là các bản cập nhật gần như hàng năm cho các thư viện và quạt màu của Pantone, bao gồm những thay đổi nhỏ về màu sắc kèm theo định nghĩa. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, có thể nói rằng hơn 75% tất cả các công ty in ấn và bảng hiệu trang trí đang sử dụng quạt màu Pantone lỗi thời. Do đó, chúng không khớp với các thư viện trong phần mềm Adobe của họ. Tương tự cho các thư viện của phần mềm RIP – vốn cũng không được cập nhật thường xuyên. Thực tế là các nhà in mà không sử dụng hệ thống so màu của Pantone đang vận hành dễ dàng hơn. Nhưng điều đó lại không luôn đúng cho phía nhân sự đặt hàng và người thiết kế in – những người vẫn có cảm giác sai lầm về sự an toàn khi sử dụng màu Pantone.

Sau tháng 3 năm 2022, bạn sẽ phải quyết định xem mình có còn muốn sử dụng các thư viện Pantone trong phần mềm Adobe không và phải mua bản quyền cho hệ sinh thái Pantone Live để giữ cho các thư viện đó có sẵn dùng trong gói ứng dụng Adobe của bạn.

GIẢI PHÁP THAY THẾ

Cuối cùng, khả năng khách hàng của bạn đang sử dụng một phiên bản quạt màu khác so với bạn (và do đó đang nhìn các màu sắc khác nhau), hoặc máy in và hệ vật liệu của bạn không thể tái tạo các “màu kỳ lân” một cách chính xác như trong quạt màu là rất cao. Trong các trường hợp không chắc chắn này, thống nhất với khách hàng về việc in vỗ bài là cách tốt nhất để đạt được thỏa thuận về màu sắc sẽ đạt được, bất kể nó được gọi là gì! 

Có giải pháp thay thế nào khả dĩ không? Chắc chắn là có! Nếu bạn nhận được các tệp PDF từ khách hàng có chứa màu Pantone, phần mềm RIP của bạn vẫn sẽ phát hiện ra chúng và thay thế chúng bằng các thư viện tích hợp. Ngoài ra, trong phần mềm Adobe, bạn vẫn có thể tạo màu pha của riêng mình như khi bạn cần tạo đường viền cắt và đặt tên cho chúng theo màu Pantone mà bạn muốn sử dụng. Chỉ cần chắc chắn rằng bạn đang sử dụng một phiên bản RIP được cập nhật mới nhất và các tính năng chuyển đổi màu pha được bật. Đặc biệt lưu ý rằng nếu bạn sử dụng một hồ sơ máy in không chính xác, toàn bộ cơ chế này sẽ không hoạt động. Luôn luôn sử dụng hồ sơ máy in chính xác để có được kết quả ổn định.

May mắn thay, tại ColorBase, họ đã xây dựng thư viện hồ sơ máy in lớn nhất thế giới và cung cấp miễn phí thông qua Profile Search Tool. ColorBase vẫn đang tiếp tục cập nhật, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn kiểm tra nó thường xuyên!

Bạn nghĩ gì về sự tách biệt này của Pantone và Adobe? Nó sẽ thay đổi lưu trình công việc của bạn chứ ? Bạn sẽ đăng ký gói dịch vụ của Pantone?

100 bình luận

Bình luận