Prima.vn - Cổng thông tin điện tử ngành in và bao bì Việt Nam
Trang chủ » ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁ TRỊ MẬT ĐỘ ĐẾN KHẢ NĂNG PHỤC CHẾ TRONG IN OFFSET

Chia sẻ

CHẤT LƯỢNG / ĐÀO TẠO / IN OFFSET / QUẢN LÝ MÀU / TIN TỨC

ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁ TRỊ MẬT ĐỘ ĐẾN KHẢ NĂNG PHỤC CHẾ TRONG IN OFFSET

ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁ TRỊ MẬT ĐỘ ĐẾN KHẢ NĂNG PHỤC CHẾ TRONG IN OFFSET

Đặt vấn đề

Khi in với gamut màu lớn, sẽ tạo ra hình ảnh có màu sắc sống động và chi tiết hình ảnh có chiều sâu hơn. Thực tế, vẫn có thể đạt được gamut màu tiêu chuẩn với các màu CMYK, được in bằng hệ thống in Offset theo tiêu chuẩn ISO 12647-2: 2013. Có thể gia tăng hoặc mở rộng gamut màu trong quá trình in bằng cách tăng giá trị Density và kiểm soát dotgain.

Làm thế nào với một nguồn lực vừa phải, vẫn có thể đạt được khả năng in tốt nhất, trong môi trường sản xuất cạnh tranh về chất lượng và thời gian? Câu trả lời là, khi chúng ta in hàng ngày, chỉ cần xác định giá trị density/lab phù hợp để đảm bảo gamut màu lớn nhất có thể, với một loại giấy và mực nhất định.

Để thực tế hóa điều này, trong một điều kiện in cụ thể, chúng ta cần thực nghiệm để xác định giá trị density phù hợp với các loại giấy và mực để cho gamut lớn nhất, các thử nghiệm in đề cập dưới đây, có thể được thực hiện theo các bước như nhau ở mỗi một nhà in cụ thể. Ban đầu, chúng ta sẽ in thử nghiệm trên loại giấy và mực cụ thể theo giá trị tiêu chuẩn (mật độ, gia tăng tầng thứ,…vd, theo tiêu chuẩn ISO 12647-2: 2013).

Sau đó, tiến hành thay đổi các giá trị mật độ tương ứng trong quá trình thử nghiệm. Bước thứ nhất giảm giá trị mật độ của tất cả các màu so với giá trị tiêu chuẩn là -0.15, -0.30. Bước hai, tăng + 0.15, + 0.30, so với giá trị tiêu chuẩn. Các gamut màu của các thử nghiệm sẽ được hiển thi và so sánh với nhau.

Từ lý thuyết và thực nghiệm, cho thấy rằng giá trị mật độ mực ảnh hưởng trực tiếp đến gamut màu trong in offset. Tính toán cho thấy rằng gamut màu thu hẹp khi giá trị mật độ mực giảm và ngược lại.

Trong bài này, Prima sẽ thử nghiệm và đưa ra báo cáo thực tế về cách mà gamut màu sẽ biến đổi như thế nào khi chúng ta thay đổi giá trị mật độ tông nguyên (SID – Solid Ink Dendity) của từng màu CMYK. Trong bài sau, Prima sẽ đưa ra cách thực nghiệm để có thể đạt được gamut tối ưu, phù hợp với mỗi loại giấy và loại mực cụ thể.

Hệ màu và gamut màu

Từ khi sử dụng màu sắc trong hội họa và in ấn, con người luôn tìm nhiều cách thức để hệ thống hóa màu sắc. Vào đầu thế kỷ 20, một họa sĩ tên là A.H. Munsell đã xác định cách phối màu, trong đó một màu được xác định bởi ba thông số là tông màu, độ bảo hòa và độ sáng. Năm 1930, International Commission on Illumination (CIE) được thành lập, đã hệ thống hóa màu sắc bằng không gian màu ba chiều. Theo đó, tất cả các màu có trong tự nhiên được mô tả trong một không gian màu. Mỗi một màu trong không gian màu, được định nghĩa bằng ba thông số:

  • Tông màu (Hue): đó là cảm nhận màu của vật thể, như màu đỏ, vàng, xanh lá cây và xanh lam…. trong không gian màu, đó là thông số chỉ góc tọa độ của màu đó.
  • Độ bão hòa (Saturation): là một cảm nhận tri giác duy nhất tách biệt với tông màu. Độ bão hòa là độ sặc sỡ so với độ sáng của chính nó, trong khi sắc độ là độ sặc sỡ so với độ sáng của một vùng được chiếu sáng tương tự có màu trắng (Fairchild, 2013).
  • Độ sáng (Brightness): mô tả độ sáng hoặc tối của một màu.

Ba thông số này mô tả trong không gian ba chiều của không gian màu. Chỉ có thể định nghĩa đúng một màu bằng tọa độ của nó trong không gian màu.

Hình 1: Các giá trị của màu, được mô tả trong không gian màu

CIE L*a*b

Vào năm 1976, với mục đích ước tính sự đồng nhất về tri giác bằng cách mô phỏng phản ứng phi tuyến tính của mắt người, CIE đã đề xuất không gian CIE L*a*b* (L độ sáng, a và b là tông màu và độ bảo hòa). CIE mô tả lại cách mắt người nhìn màu và hoạt động với ba tín hiệu cơ bản giống như trong mắt người. Cấu trúc màu L*a*b* được xây dựng dựa trên thực tế là tại mỗi thời điểm, mỗi một màu chỉ có một giá trị duy nhất, không thể vừa là màu đỏ, vừa là màu xanh. Các giá trị đơn giản được sử dụng để mô tả một màu. L* đại diện cho độ đậm nhạt, a* đại diện cho giá trị màu đỏ/xanh lá cây, b* đại diện cho giá trị màu vàng/xanh lam của màu trong hệ thống CIE L*a*b*. (Tritton, 2004; Adams & Weisberg 2000).

  • Giá trị L * xác định độ sáng từ 0 đến 100, nghĩa là màu đậm hay nhạt. L=0 màu đen và L=100 là màu trắng, trục L* còn được gọi là trục độ sáng
  • Giá trị (-a*) giá trị âm xác định độ xanh lá (green) từ 0 đến 100. (a*) giá trị dương xác định độ đỏ (red) từ 0 đến 100
  • Giá trị b * dương xác định độ vàng (yellow) từ 0 đến 100. Giá trị b * âm xác định độ xanh tím (blue) từ 0 đến 100.
  • Ở tâm hệ trục không màu, a* và b* bằng nhau và bằng 0. Khi các giá trị a* và b* tăng và hướng phía ngoài biên của vòng tròn thì độ bão hòa màu cũng tăng theo.

CIE L * a * b * là hệ màu được sử dụng phổ biến nhất. Máy tính và phần mềm được sử dụng trong Desktop Publishing, CEPS (Color Electronic Prepress System) và in ấn đều dựa trên hệ màu CIE L * a * b *.

Gamut

Màu sắc trong tự nhiên mà mắt người cảm nhận có vô số màu, được mô tả trong không gian màu CIE Lab. In ấn cũng như các kỹ thuật phục chế khác, không thể mô phỏng lại tất cả các màu có trong tự nhiên, mà chỉ có thể phục chế được một số lượng màu nhất định. Gamut là khoảng không gian màu mà một kỹ thuật phục chế (màn hình máy tính, máy in kỹ thuật số, máy in offset, chụp ảnh….) có thể tái tạo được.

Đối với ngành in nói chung và in offset nói riêng, Gamut của một điều kiện in được xác định bởi ba yếu tố chính là Hue (tông màu), Brightness (độ sáng) và Saturation (độ bão hòa). Ngoài ra Gamut của in offset còn bị ảnh hưởng bởi các đặc tính kỹ thuật trong quá trình xử lý dữ liệu, của quá trình in và đặc tính vật liệu (vật liệu nền, mực in…). Gamut của in offset là một trong những Gamut nhỏ nhất, tất cả các nghiên cứu, biện pháp được ngành in xây dựng và công nhận hầu hết chúng đều nhằm cải thiện khoảng không gian phục chế này.

Hình 2: Gamut của các kỹ thuật phục chế khác nhau, CMYK là Gamut của kỹ thuật in offset.

Mật độ mực vùng tông nguyên (SID – Solid ink Density)

SID là giá trị mật độ mực được đo tại vùng tông nguyên, giá trị SID của một lớp mực phụ thuộc vào chất lượng của hạt mực, mật độ tập trung của các hạt mực và độ dày của lớp mực. Đo mật độ vùng tông nguyên sẽ gián tiếp cho biết độ dày lớp mực in.

Nguyên lý đo mật độ dựa trên lượng ánh sáng phản xạ lại từ mẫu và cảm nhận về độ sáng tối của mắt người. Lớp mực càng dày hấp thụ ánh sáng càng nhiều, phản xạ ít ánh sáng làm cho mắt người cảm nhận vùng được đo “đậm hơn” hay “nhạt hơn”, tùy vào độ dày của lớp mực. SID càng lớn thì lớp mực càng dày.

Hình 3: Nguyên lý đo mật độ và mối tương quan của SID với độ dày lớp mực

Một màu trong không gian màu CIELAB có ba giá trị L*, a*, b* với L* là độ sáng, a* và b* là các trục màu. Khi tăng giá trị mật độ, có nghĩa lớp mực lúc này dày hơn, các hạt màu (pigment) nhiều hơn. Màu mực khi này trở nên đậm hơn, giá trị L* sẽ giảm xuống do mật độ mực cao hơn làm giảm độ sáng của màu. Các  giá trị a* và b* cũng thay đổi theo hướng ra phía ngoài biên của vòng tròn, nghĩa là tăng độ bão hòa màu.

Vui lòng đăng nhập để xem chi tiết và tham gia bình luận. Xin cám ơn , Đăng nhập

 

 

 

315 bình luận

Bình luận