Prima.vn - Cổng thông tin điện tử ngành in và bao bì Việt Nam
Trang chủ » IN XUẤT KHẨU – CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO NGÀNH IN VIỆT NAM (1)

Chia sẻ

TIN TỨC

IN XUẤT KHẨU – CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO NGÀNH IN VIỆT NAM (1)

IN XUẤT KHẨU – CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC  CHO NGÀNH IN VIỆT NAM (1)

Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết ngành in Việt Nam năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 được chủ trì bởi Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.  Nhiều tham luận của các chuyên gia đầu ngành về hiện trạng ngành in Việt Nam và xu hướng phát triển. Được sự đồng ý của các tác giả, Học viện PrintMedia Việt Nam sẽ lần lượt đăng các nội dung liên quan đến Hội nghị nhằm mang lại các thông tin bổ ích cho quý vị.

IN XUẤT KHẨU – CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO NGÀNH IN VIỆT NAM (1)

PGS. TS. Ngô Anh Tuấn

TỔNG QUAN VỀ THỊ TRƯỜNG IN THẾ GIỚI

Theo báo cáo thị trường mới đây của Smithers, tổng sản lượng ngành công nghiệp in toàn cầu được dự báo sẽ đạt 821 tỷ đô la vào năm 2022, nhờ sự tăng trưởng của bao bì và nhãn mác và in kỹ thuật số.

Năm 2020, riêng thị trường in thương mại toàn cầu trị giá 411,99 tỷ USD và dự kiến đạt 472,35 tỷ USD vào năm 2026, tương ứng với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 2,24% trong giai đoạn 2021-2026. Thị trường in thương mại đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng vượt bậc trong năm năm tới. Sự phát triển về mặt công nghệ, cùng với sự trỗi dậy của các ứng dụng, được dự đoán sẽ kích thích nhu cầu trên toàn cầu. Hơn nữa, nhu cầu sản xuất các đơn hàng số lượng nhỏ cho các dòng sản phẩm in thương mại, chẳng hạn như sách, thư trực tiếp, tài liệu quảng cáo và cataloge đang gia tăng nhanh chóng. Dự kiến có 72% các công ty sử dụng các chiến dịch quảng cáo bằng thư trực tiếp. Lý do là vì thư trực tiếp có chi phí tương đối rẻ và là một cách tuyệt vời để các công ty quảng bá hình ảnh và dịch vụ của họ với công chúng. Mảng in ấn này dự kiến sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trong tương lai.

Nhu cầu gia tăng đối với các tài liệu quảng cáo từ các ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống đang thúc đẩy thị trường. Thị trường in thương mại đang được thúc đẩy chủ yếu bởi các đợt khuyến mãi và quảng cáo. Ngoài ra, một cuộc thăm dò gần đây của Adobe với 1.250 người tiêu dùng ở Mỹ đã nhấn mạnh vấn đề đang diễn ra với các quảng cáo trực tuyến hoặc quảng cáo trên các nền tảng kỹ thuật số không thu hút được sự chú ý của mọi người, trong khi các quảng cáo dạng bản in thu hút nhiều sự chú ý của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhu cầu in thương mại đã giảm trong khoảng thời gian bùng dịch COVID-19. Heidelberg đã đưa ra một báo cáo về tình trạng hiện tại của ngành công nghiệp in toàn cầu, trong thời gian bùng dịch COVID-19. Theo báo cáo, trong đợt bùng phát COVID-19, sản lượng in ở Trung Quốc giảm tới 80% so với thông thường nhưng đã phục hồi khi sự lây nhiễm giảm và hiện đã quay trở lại mức năm ngoái, ở cả mảng in thương mại và bao bì/nhãn hàng. Ngoài ra, một số nhà in chứng kiến ​​nhu cầu về biển báo liên quan đến COVID-19 tăng lên từ các nhà bán lẻ, những doanh nghiệp muốn đảm bảo với khách hàng rằng họ đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn cần thiết. Những khách hàng khác lại đang chuyển sang in các mặt hàng, như tấm chắn bằng thủy tinh.

Thị trường in toàn cầu đang thay đổi, nhiều xuất bản phẩm truyền thống đã có phiên bản điện tử thay thế cho sách in. Sách điện tử, báo và tạp chí trực tuyến đang chiếm lĩnh thị phần quan trọng trên thị trường; trong khi các loại niên giám, danh bạ, cataloge và tài liệu quảng cáo đã có bản điện tử thay thế; ngày càng có nhiều giao dịch điện tử hơn làm giảm nhu cầu về giấy tờ và các loại tín phiếu; Bên cạnh đó, các chi tiêu quảng cáo đang chuyển sang các lĩnh vực mới bao gồm cả trực tuyến. Những yếu tố kể trên cùng với sự phát triển không ngừng của mạng xã hội đang dẫn đến việc số lượng xuất bản phẩm suy giảm, trong khi nhu cầu về bao bì và nhãn mác ngày càng tăng.

Công nghệ in cũng đang thay đổi. In kỹ thuật số sẽ tiếp tục phát triển vì nó cho phép sản xuất nhiều bản in được cá thể hoá với giá thành rẻ hơn, về cơ bản nội dung có thể được xác định gần với người dùng cuối hơn nhiều. Do thế hệ máy in mới đẩy mạnh năng suất và chất lượng và thúc đẩy vị thế cạnh tranh của công nghệ số. Thị phần của kỹ thuật số trên toàn thị trường tăng về giá trị từ 15,7% năm 2017 lên 19,3% vào năm 2022.

Ngoài các số liệu về lĩnh vực in và bao bì in mang tính toàn cầu kể trên, mỗi khu vực trên thế giới lại có sự phát triển thị trường khác nhau. Khuynh hướng chung là chuyển giao công nghệ từ các thị trường phát triển ổn định và thiết bị đã qua sử dụng vào các thị trường mới nổi. Tuy nhiên các khách hàng lớn, các nhà quảng cáo, nhà xuất bản và người đặt mua bao bì đang ngày càng yêu cầu các sản phẩm chất lượng cao và đồng nhất ở mọi nơi trên thế giới.

(Còn tiếp)

Mời quý vị đón đọc phần 2: NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHÍNH CỦA THỊ TRƯỜNG IN TOÀN CẦU

87 bình luận

Bình luận