Thay thế các bản in thử và các mẫu bao bì vật lý bằng quản lý màu kỹ thuật số, giúp giảm lãng phí vật liệu, phí vận chuyển và đi lại – có thể cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon. Prima.vn xin giới thiệu những lợi ích của quy trình làm việc màu kỹ thuật số (Digital Color Workflows) trong việc cải thiện tính bền vững của sản xuất bao bì.
Hầu hết trong số 100 công ty hàng tiêu dùng nhanh (FMCG-fast-moving consumer goods) hàng đầu, đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ, để giúp giảm lượng khí thải carbon và cải thiện việc tái chế. Thành phần chính của các chiến lược này liên quan đến việc xem xét lại việc đóng gói sản phẩm, nhằm giảm thiểu tác động của nó đối với môi trường.
Đối với nhiều thương hiệu và người tiêu dùng, những nỗ lực bền vững này tập trung vào đổi mới vật liệu đóng gói – chai lọ, giấy, mực gốc nước và bao bì tái chế hoặc phân hủy sinh học. Mặc dù những phát triển này rất quan trọng trong việc giúp ngành đạt được các mục tiêu bền vững, nhưng có những thay đổi nhỏ hơn về quy trình giúp các thương hiệu FMCG giảm đáng kể lượng khí thải carbon của họ
Màu sắc được sử dụng như một bộ nhận diện thương hiệu và giúp bao bì nổi bật trên kệ. Tuy nhiên, còn nhiều hơn thế nữa. Cách mà các thương hiệu và nhà cung cấp in của họ tạo ra màu sắc nhất quán trên bao bì có thể đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực phát triển bền vững.
Ví dụ, màu sắc chiếm 60% sự chấp nhận hoặc từ chối trong sản xuất bao bì. Nếu quá trình phát triển một sản phẩm bị từ chối, điều đó không chỉ khiến thương hiệu và nhà cung cấp in hao tổn phí, mà nguyên vật liệu sẽ bị loại bỏ và làm lại. Điều này làm tăng việc sử dụng năng lượng hoặc nhiên liệu hóa thạch và chất thải.
Tận dụng các phương pháp quản lý màu kỹ thuật số có thể giúp các thương hiệu đạt được mục tiêu bền vững, qua đó giảm lãng phí vật liệu, chi phí vận chuyển và di chuyển. Những thay đổi tưởng như nhỏ này không chỉ có tác động tích cực đến lợi nhuận mà còn giúp ích cho môi trường.
Dưới đây là bốn cách quy trình làm việc màu kỹ thuật số hỗ trợ các nỗ lực bền vững
- Cải thiện độ chính xác và giảm lãng phí.
Mọi thương hiệu và quy trình sản xuất đều muốn đạt được màu sắc chính xác ngay từ lần đầu tiên. Các công cụ giao tiếp màu kỹ thuật số có thể giúp chia sẻ thông số kỹ thuật, chỉ định màu chính xác với các nhà thiết kế và đặt ra các yêu cầu rõ ràng trên toàn bộ chuỗi cung ứng.
Thông thường các nhà thiết kế và quy trình sản xuất bao bì coi màu sắc là một nhiệm vụ chủ quan. Điều này đúng khi màu sắc được truyền đạt và đánh giá bằng quy trình trực quan 100%. Tuy nhiên, đánh giá màu sắc trực quan bị ảnh hưởng bởi nhiều thứ – ánh sáng, màu sắc xung quanh và thậm chí, liên quan đến việc những gì một người đã ăn, uống hoặc ngủ bao nhiêu. Khi chỉ dựa vào đánh giá trực quan và giao tiếp, sẽ dẫn đến sự kém hiệu quả của quy trình và làm tăng lãng phí.
Giao tiếp kỹ thuật số và quy trình làm việc loại bỏ tính chủ quan bằng cách sử dụng dữ liệu quang phổ. Thiết lập tiêu chuẩn màu kỹ thuật số trong quá trình thiết kế và sản xuất là bước đi đầu tiên.
Khi các tiêu chuẩn màu được xác định bằng các giá trị quang phổ kỹ thuật số, được chia sẻ bằng dữ liệu số, các nhà cung cấp bản in sẽ làm việc hiệu quả hơn, dẫn đến năng suất cao hơn và ít lãng phí hơn. Các tiêu chuẩn màu quang phổ kỹ thuật số cũng giúp loại bỏ hoặc giảm nhu cầu ký bài tại máy in. Điều này có thể tiết kiệm chi phí đi lại và giúp giảm lượng khí thải carbon của một thương hiệu.
2. Loại bỏ in thử mẫu vật lý.
Khi các nhà thiết kế được chọn màu cuối cùng cho một thiết kế, thông thường họ sẽ yêu cầu in mẫu thử để xác nhận, nhà in sẽ phải dùng mực, vật liệu và máy in để làm điều này. Yêu cầu này thường là bắt buộc, vì vật liệu bao bì khác nhau về màu sắc, như giấy có sắc nâu và trắng, màng nhựa trong, foil kim loại, v.v. Vì mực in trong suốt nên vật liệu nền sẽ tác động đến màu cuối cùng. Nếu quy trình làm việc trực quan đang được sử dụng, việc sản xuất hàng mẫu là một yêu cầu hợp lý, để đảm bảo sự chính xác màu khi sản xuất. Tuy nhiên, bước này gây thêm chất thải và sử dụng nhiều carbon để sản xuất và vận chuyển mẫu.
Các công cụ màu kỹ thuật số như PantoneLIVE, công cụ dựa trên điện toán đám mây, để giao tiếp màu kỹ thuật số, hiển thị những màu có thể đạt được, trên mỗi loại vật liệu nền khác nhau mà không cần quá trình in mẫu thử vật lý. Các nhà thiết kế và nhà cung cấp in có thể sử dụng PantoneLIVE để xem màu sẽ tái tạo như thế nào trên 34 loại vật liệu nền phổ biến, và nhận các đề xuất về cách đạt được màu thiết kế trên các loại vật liệu nền khác nhau, cho các sản phẩm bao bì, nhãn hàng, biển hiệu quảng cáo, LED-TV, các loại tài liệu nói chung và truyền thông kỹ thuật số.
3. Đo lường để cải thiện hiệu quả và kiểm soát quá trình.
Có một câu tục ngữ phổ biến nói rằng đo hai lần, cắt một lần. Mặc dù theo truyền thống người ta nghĩ về nghề mộc, nhưng câu nói này đúng với nghề in. Đo lường là cách dễ nhất để đảm bảo màu đúng mục tiêu, trước khi quá trình sản xuất bắt đầu, tránh bị lãng phí hoặc bị từ chối sản phẩm.
Máy đo quang phổ có thể đo màu trong suốt quá trình từ premedia, pha chế mực, sản xuất và kiểm tra chất lượng. Máy đo được sử dụng để hiệu chỉnh màn hình và các thiết bị sản xuất, đánh giá mực và giấy trước, trong và sau khi sản xuất in. Đồng thời cũng có thể xác nhận màu của mực process (CMYK) và mực màu pha. Máy đo quang phổ cũng cung cấp cho máy in các hướng dẫn để đạt được tiêu chuẩn màu cụ thể bằng cách điều chỉnh mực trên máy in.
Bằng cách đo lường dựa trên mục tiêu kỹ thuật số ở mỗi bước trong quy trình, nhà cung cấp in có quyền kiểm soát tốt hơn, để thực hiện các điều chỉnh cần thiết trước và ngay cả trong quá trình in sản lượng. Điều này giúp giảm lãng phí và tiết kiệm các nguồn tài nguyên có giá trị bao gồm mực, vật liệu và năng lượng.
4. Giảm thiểu chi phí vận chuyển và ký bài tại máy in.
Việc gửi các bản in hoặc mẫu bao bì trên toàn cầu và việc di chuyển đến nơi sản xuất để phê duyệt bài in, có tác động lớn đến lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu đang thấy rằng quy trình làm kỹ thuật số có thể loại bỏ việc ký bài tại chỗ.
Ví dụ: Đơn vị Kinh doanh Coca-Cola Tây Âu (WEBU-the Coca-Cola Western Europe Business Unit) đã triển khai Chương trình Chất lượng In Kỹ thuật số. Trong buổi giới thiệu sản phẩm mới gần đây, Coca-Cola WEBU đã phê duyệt cho máy in với dung sai tốt nhất cho sản phẩm, mà không cần cử chủ sở hữu thương hiệu, nhà tiếp thị, đại lý truyền thông phê duyệt tại chỗ. Kết quả là, Coca-Cola WEBU đã giới thiệu thiết kế mới, giảm một nửa thời gian, với một chu trình in bền vững, giảm nhiều chi phí liên quan đến in ấn, so với cách làm truyền thống.
Màu kỹ thuật số thúc đẩy tính bền vững.
Khi các thương hiệu và nhà sản xuất làm việc theo hướng bền vững, hãy xem xét cải thiện quy trình sản xuất của bạn. Chuyển giao tiếp và đánh giá màu từ tham chiếu vật lý sang giá trị kỹ thuật số, có thể tạo ra tác động lớn.
Kết nối quy trình làm việc màu kỹ thuật số, giúp các thương hiệu có thể thiết lập các tiêu chuẩn và yêu cầu rõ ràng về màu sắc. Cũng là cơ sở để các nhà thiết kế, có thể thiết kế đúng với mục đích thực tế và cung cấp thông số kỹ thuật chính xác. Cho phép máy in có thể hoạt động chính xác mà không cần phải mất thời gian in thử, ký bài. Chủ thương hiệu và các đối tác không mất thời gian và chi phí di chuyển. Tất cả điều này tạo ra một quy trình sản xuất bao bì giảm thiểu tác động đến môi trường.
Tham khảo:
[1] https://www.xrite.com/categories/digital-color-standards/pantonelive-family
[2] Cindy Cooperman | packagingdigest.com | packagingdigest.com