Prima.vn - Cổng thông tin điện tử ngành in và bao bì Việt Nam
Trang chủ » TÁC ĐỘNG CỦA SỰ THIẾU HỤT NHÂN LỰC TAY NGHỀ CAO LÊN LĨNH VỰC IN NHÃN TẠI ANH VÀ CHÂU ÂU

Chia sẻ

TIN TỨC / XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN

TÁC ĐỘNG CỦA SỰ THIẾU HỤT NHÂN LỰC TAY NGHỀ CAO LÊN LĨNH VỰC IN NHÃN TẠI ANH VÀ CHÂU ÂU

Sự thiếu hụt nhân lực ngành in

TÁC ĐỘNG CỦA SỰ THIẾU HỤT NHÂN LỰC TAY NGHỀ CAO LÊN LĨNH VỰC IN NHÃN TẠI ANH VÀ CHÂU ÂU

Kính thưa quý vị độc giả, Ngành in và bao bì Việt Nam ngày càng khiếm khuyết nghiêm trọng công nhân lành nghề, tình trạng này cũng không khác gì các Nước có ngành in phát triển trên thế giới. Kỳ này, chúng tôi chọn 1 chủ đề để biên dịch nhằm giúp các vị lãnh đạo và chủ doanh nghiệp có góc nhìn mới về việc phát triển nguồn nhân lực. Nếu quý vị có suy nghĩ hay nhu cầu về nhân lực xin gởi nhận xét ngay dưới bài để chúng tôi có sự trao đổi phù hợp.

Đăng bởi David Lee

Biên dịch: Jimmy Nguyen

Hiệu đính: Ngo Printer

Thiếu hụt nhân lực tay nghề cao đã và đang ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề của thế giới hiện đại nhiều năm qua – đặc biệt là xây dựng, lắp ráp chế tạo, kỹ thuật, vận tải và đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực của ngành công nghiệp in. Điều đó có nghĩa là không có đủ công nhân lành nghề trên thị trường lao động để lấp đầy tất cả các công việc có sẵn. Điều này tạo ra một vòng xoáy tiêu cực khiến giảm năng suất lao động, tăng áp lực lên người lao động, kiềm hãm tăng trưởng, làm tăng mặt bằng lương và tất yếu là dẫn đến năng suất của toàn ngành bị tuột dốc.

Nguồn gốc của sự thiếu hụt?

Nguyên nhân chính của sự thiếu hụt kỹ năng vẫn còn được tranh luận sôi nổi, từ những thiếu sót trong giáo dục, áp lực lên học sinh phổ thông để có thể vào đại học cho đến mức thu nhập không hấp dẫn, mất cân bằng giới trong các ngành công nghiệp vốn chỉ dành cho nam, thiếu vắng các chương trình học việc phù hợp, khó khăn khi tuyển dụng từ nước ngoài, yêu cầu kỹ năng quá cao để vận hành thiết bị truyền thống, cho đến việc chậm trễ đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số tiên tiến của các công ty in. Tình hình ở Anh, Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc không hoàn toàn tương tự nên không thể rút ra một kết luận chung duy nhất. Tuy nhiên, một khía cạnh thường bị các nhà hoạch định chính sách bỏ qua là khía cạnh nhân khẩu học của sự thiếu hụt tay nghề.

Những người thợ in đầu bạc

Ngành công nghiệp in ấn vẫn còn bám sát truyền thống, và con đường sự nghiệp của nhiều người có thu nhập cao hiện nay vẫn tương tự như 20, 30 hay thậm chí 40 năm trước. Một thợ in được nhận vào khi mới ra trường ở vị trí học việc chuyên sâu hay được đào tạo qua thực tế sản xuất từ 5 đến 10 năm. Việc luân chuyển nhân sự thường ít diễn ra và thợ in thường gắn bó với một doanh nghiệp trong nhiều năm. Vì vậy, khi mà người thợ in đã được huấn luyện hoàn chỉnh, họ sẽ không chỉ có kỹ năng chuyên môn ấn tượng mà còn có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để truyền đạt lại cho những nhân sự mới.

Trong cùng một mô hình nhân sự, các trưởng máy, trưởng ca và quản lý được tuyển chọn từ xưởng sản xuất để tăng sự gắn kết và đảm bảo rằng các kỹ năng được lưu giữ và chia sẻ. Tân binh gặt hái được thành công từ những chia sẻ bên lề của những thợ lành nghề độ tuổi 40-50, bổ trợ cho phần lý thuyết và hoàn thiện các kỹ năng đã tiếp thu trong quá trình học nghề.

Để mô hình tuyển dụng và đào tạo hoạt động bền vững, phải có một nguồn nhân sự mới ổn định gia nhập ngành in và những nhân sự cũ chuyển ngành hay nghỉ hưu. Đó chính là gốc rễ của vấn đề trong ngành in ấn, mặc dù hiện tại nó chưa phải là một vấn đề lớn nhưng sẽ khó tránh khỏi nếu sau một hay hai thập kỉ nữa mà ta chưa có biện pháp xử lý.

Khó khăn chính là trong khi các thợ lớn tuổi đã đến tuối hưu thì những người trẻ tuổi lại tỏ ra ít quan tâm đến việc tham gia vào lĩnh vực in ấn. Tại nhiều nhà in, hiếm khi thấy một thợ in dưới 30 tuổi và độ tuổi trung bình thường là 45 tuổi hoặc cao hơn.

Nguyên nhân cho việc này chưa rõ ràng, nhưng danh tiếng của lĩnh vực in nhãn dường như không thể cải thiện việc này, đặc biệt là khi việc đầu tư cho chương trình học việc lại tập trung vào các lĩnh vực hấp dẫn hơn cùng ngành như in thương mại. Các doanh nghiệp in ấn của Anh và châu Âu đang trông cậy vào 3 chiến lược chính để hạn chế những ảnh hưởng của sự thiếu hụt kỹ năng này:

1) Công nghệ in yêu cầu trực giác tốt của người vận hành

Các máy in – đặc biệt là máy flexo đời cũ – khét tiếng là những thiết bị phức tạp, đòi hỏi nhiều năm được đào tạo và kinh nghiệm thực tế để nắm vững. Các thợ in thường quen việc vận hành một vài máy in cụ thể nên khi họ nghỉ việc hoặc bị bệnh thì kiến thức này – thường không được biên soạn thành cẩm nang – sẽ bị thất truyền và góp phần vào sự thiếu hụt kỹ năng. Một giải pháp rõ ràng cho câu hỏi hóc búa này là làm cho công nghệ in dễ sử dụng hơn. Như tại Focus Label, chúng tôi luôn tìm cách để làm cho thế hệ những máy in mới ngày càng dễ dàng vận hành hơn, giảm yêu cầu đào tạo khi đầu tư máy mới cũng như ít cần những kỹ năng đặc biệt hơn mà vẫn đạt được kết quả tốt nhất từ thiết bị chính.

Điều này không thể đạt được với các máy in flexo đời cũ, vì chúng phụ thuộc vào lưu trình in vận hành nhiều công đoạn, đòi hỏi kĩ năng và liên quan đến nhiều bộ phận chuyển động phải được căn chỉnh cẩn thận, đòi hỏi một mức kỹ năng cao để vận hành chúng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, thế hệ máy in lai ghép kỹ thuật số và động cơ Servo mới nhất lại dễ sử dụng và thân thiện với thợ in, giúp giảm thiểu sai sót và tăng hiệu quả sản xuất. Sự thiếu hụt kỹ năng sẽ ít nghiêm trọng hơn khi tất cả máy in đều trở nên dễ vận hành.

Đầu tư vào công nghệ mới còn là chìa khóa trong việc thu hút người trẻ tuổi vào lĩnh vực in ấn. Giới trẻ ngày nay đã quen thuộc với công nghệ kỹ thuật số và mong đợi điều này như một phần tất yếu của công việc. Ngành in có thể sử dụng các kỹ năng kỹ thuật số có sẵn của học sinh phổ thông để thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển nghề nghiệp của chính họ.

2) Tuyển dụng thêm phụ nữ vào ngành

Một số doanh nghiệp thành công nhất trong in ấn và sản xuất công nghiệp trong vài năm qua là những người đã chủ động cố gắng thu hút nhiều phụ nữ hơn vào các vị trí cấp cao. Chúng tôi thấy một số phụ nữ trong ngành công nghiệp in ấn của chúng ta giữ vai trò quản lý, kiểm soát sản xuất và thậm chí là vận hành máy in. Thực tế là có hàng trăm lao động nữ hoàn thành chương trình học phổ thông và đại học rất muốn tham gia vào lĩnh vực in ấn khi được chủ doanh nghiệp trao cho cơ hội. Các doanh nghiệp in nhãn có rất nhiều điều để học hỏi từ cách tiếp cận này, bằng cách mời gọi học nghề và chương trình đào tạo kỹ thuật viên nữ. Cùng với việc xây dựng văn hóa thân thiện và cởi mở, họ sẽ được hưởng lợi từ nguồn nhân lực tài năng và có tay nghề phong phú vốn chưa được khai thác.

3) Đào tạo, đào tạo và đào tạo

Các doanh nghiệp in nhãn thường phàn nàn về việc thiếu các chương trình học nghề cụ thể cho lĩnh vực của họ, và đúng là như vậy. Nhưng cái khó ló cái khôn, các doanh nghiệp đã hợp tác với nhau, thậm chí là thiết lập những chương trình đào tạo chung cho cả ngành, đặc biệt là các chương trình tại chỗ nhằm mục đích nâng cao kỹ năng của nhân viên hiện hữu. Khái niệm phát triển chuyên môn nghề nghiệp không giới hạn mà trong đó nhân viên phải ôn luyện và phát triển kỹ năng của họ một cách định kỳ, vốn đã được chứng minh là thành công trong việc tăng năng suất và giữ chân nhân viên trong nhiều ngành công nghiệp, hoàn toàn có thể được ứng dụng vào lĩnh vực in ấn.

Đầu tư vào đào tạo chính quy làm cho nhân viên cảm thấy tự tin vào giá trị bản thân, giúp tăng năng suất lao động, và tạo ra sự gắn bó để ngăn những người lao động thâm niên khỏi việc bỏ việc và chuyển sang những ngành có mức lương cao hơn kèm điều kiện làm việc tốt hơn. Đồng thời, còn hấp dẫn nhân sự tay nghề cao từ các lĩnh vực có liên quan khác chuyển sang ngành in nhãn và tạo ra nguồn động lực mới cho doanh nghiệp của bạn.

Nguồn: blog.focuslabel.com/print-industry-skills-shortage

3 bình luận

Bình luận