Prima.vn - Cổng thông tin điện tử ngành in và bao bì Việt Nam
Trang chủ » Cách để tiết kiệm chi phí mực in và thời gian pha mực

Chia sẻ

THIẾT BỊ, MÁY MÓC

Cách để tiết kiệm chi phí mực in và thời gian pha mực

Cách để tiết kiệm chi phí mực in và thời gian pha mực

Người viết: Hồ Duy Tân

Công tác tại: Công ty TNHH Vina Tâm

TP.HCM, ngày 31 tháng 08 năm 2021

Nhu cầu thực tế:

Các khách hàng muốn lựa chọn màu sắc riêng biệt để làm nổi bật sản phẩm của họ do đó nhu cầu in màu pha ngày càng nhiều. Mà muốn in được màu pha điều cần thiết đầu tiên là phải pha ra được màu mà khách hàng yêu cầu. Chúng ta sẽ có 2 trường hợp là màu pha theo Pantone và màu theo giá trị Lab. Và nhà in sẽ phải pha theo yêu cầu của khách hàng khi nhận đơn hàng. Nhưng câu hỏi được đặt ra là “Pha như thế nào nhanh nhất, chính xác, và tiết kiệm ?”

Thông thường, Các nhà in vẫn còn dựa vào kinh nghiệm nhìn màu của người thợ. Nếu người thợ có kinh nghiệm lâu năm, quen với việc phán đoán màu sắc thì việc pha màu sẽ nhanh hơn. Còn nếu gặp người thợ thiếu kinh nghiệm hay một màu khó thì sẽ mất nhiều thời gian. Điều đó dẫn đến các hao phí như: thời gian, nguyên liệu mực, công thử bài.

Để giải quyết vấn đề trên, Công ty Vina Tâm đưa ra một giải pháp để giảm các hao phí. Đó là việc sử dụng máy đo màu SpectroDens và một trong những chức năng ColorCatcher được được tích hợp sẵn trong phần mềm SpectroConnect.

A. Giới thiệu chức năng và giải thích các thuật ngữ liên quan:

ColorCatcher là một tính năng tìm màu rất hay trong phần mềm SpectroConnect của TECHKON. Một số lợi ích của tính năng:

  • In ấn: Tiết kiệm và sử dụng lại kho mực tồn.
  • Chế bản: Dự đoán sự khác biệt màu và đưa ra xu hướng để chỉnh màu.
  • Thiết kế: Có một bộ Rendering Intent (khuynh hướng diễn dịch màu) để kiểm soát độ lệch màu khi chuyển đổi không gian màu. Có 4 tùy chọn trong Rendering Intent:(Canon Singapore Pte Ltd, 2017)

  • Perceptual: Tất cả các màu sẽ được thay đổi các thành phần của nó sao cho vừa khít với không gian màu đích. Phương pháp này làm thay đổi tất cả hoặc phần lớn không gian màu gốc nhưng mối liên hệ giữa chúng không đổi. Kiểu phục chế màu này bảo toàn được tông màu nhưng lại làm mất đi độ tương phản. Chế độ Perceptual là hiệu quả để in ảnh bắt mắt vì chúng kiểm soát sự chuyển màu của tông màu da và phong cảnh rất hiệu quả. Kết quả là ảnh mượt hơn, đẹp mắt hơn và không bị lem màu.
  • Saturation: Phương pháp này cố gắng duy trì màu ở độ bão hòa cao nhất mà thiết bị có thể phục chế được. Khi sử dụng kiểu phục chế màu này thì độ bão hòa màu sẽ được duy trì ở mức cao nhất nhưng tông màu và độ sáng bị sai, kết quả là màu sắc sẽ không giống mẫu. Kiểu phục chế này thường được dùng cho những sản phẩm không đòi hỏi sự phục chế màu chính xác.
  • Relative: Kiểu phục chế màu này sẽ giữ nguyên các màu của không gian màu gốc nếu các màu này cũng nằm trong không gian màu đích. Các màu có trong không gian màu gốc mà không gian màu đích không thể hiện được sẽ được biến đổi sao cho nó gần giống với màu gốc nhất. Người ta thường sử dụng kiểu phục chế màu này khi chuyển đổi từ không gian màu CMYK ban đầu sang không gian màu CMYK khác và không quan tâm đến nền của giấy.
  • Absolute: Về nguyên tắc, phương pháp này giống với phương pháp phục chế màu Relative nhưng khi chuyển đổi màu có tính đến nền giấy. Kiểu phục chế này thường được sử dụng khi chuyển đổi không gian màu CMYK từ máy in thử sang máy in thật và phải đảm bảo không gian màu của máy in thử lớn hơn máy in thật.

Trong ngành in, người ta thường sử dụng kiểu phục chế màu Relative và Absolute để có được hình ảnh tương đối giống mẫu nhất. (Ngô Anh Tuấn, 2021)

Ngoài ra, còn có các thuật ngữ khác cần tìm hiểu thêm như:

1. Delta E formulation

          1.1. CIELab (CIE76)

Không gian màu CIE 1976 gần như đồng nhất để nhận biết sự khác biệt nhỏ về màu sắc. Có nghĩa là, các mẫu vật so với tiêu chuẩn, sự khác biệt về màu sắc (khoảng cách) theo bất kỳ hướng nào cũng có tầm quan trọng như nhau. Như vậy, sự khác biệt về màu CIEL*a*b* (Delta E CIELab) chính là sự khác nhau giữa các giá trị L*, a*, b* (Steve Upton, 2005)

  • L*: biểu thị độ sáng, trong đó 0 chỉ màu đen tuyền, hệ số phản xạ hoặc truyền màu bằng 0%. Chỉ số 50% chỉ giá trị màu xám trung tính, trong khi chỉ số 100 chỉ màu trắng thuần. Chỉ số này cho biết hệ số phản xạ là 100% và độ rõ nét hoàn hảo.
  • a*: biểu thị sắc đỏ và xanh lá của màu sắc. Giá trị dương của a* là màu đỏ còn giá trị âm là màu xanh lá cây. Mức 0 là màu trung tính.
  • b*: biểu thị sắc vàng và xanh dương của màu sắc. Giá trị dương của b* là màu vàng còn giá trị âm là màu xanh dương. 0 chỉ mức độ trung tính.

Một vấn đề với CIE76 là bản thân Lab không “đồng nhất về mặt thể hiện màu” như những gì người ta đã dự tính. Vì vậy, khoảng cách màu khác nhau trong các vùng màu khác nhau của Lab có thể có cùng giá trị CIE76. Ngược lại, cùng một khoảng cách sai lệch màu lại có các giá trị CIE76 khác nhau. Một vấn đề khác là mắt người nhạy cảm nhất với sự khác biệt về màu sắc, sau đó là sắc độ và cuối cùng là độ sáng, CIE76 đã không tính đến điều này (vì không gian màu Lab không tính đến điều này) (Steve Upton, 2005)

          1.2. CMC

CIE không phải là tổ chức duy nhất xác định phương trình sai lệch màu sắc. CMC (Colour Measurement Committee of the Society of Dyers and Colourists) đã xác định một phương pháp phân biệt màu sắc mới vào năm 1984, được đặt theo tên của ủy ban phát triển CMC l:C.

Phương trình này xem xét độ phức tạp của độ nhạy/ cảm nhận màu sắc của người dựa trên CIEL*C*h* – ký hiệu tọa độ màu. Có một vài biến thể trong công thức vì nó cho phép người dùng gán giá trị khác nhau cho các hệ số đậm nhạt (l) và sắc độ (c). CMC l:c được phát triển dựa trên đánh giá trực quan qua các mẫu dệt và mức độ cảm nhận thị giác của người ở độ sáng (l) và sắc độ màu (c). Tỷ lệ mặc định của l:c là 2:1, tăng gấp đôi dung sai cho giá trị độ sáng. Tỷ lệ phổ biến khác của l:c là 1:1. Các tỷ lệ khác nhau sẽ dẫn đến kích thước khác nhau của hình elip hay khả năng hiển thị không gian màu phù hợp.

          1.3. CIE94

Năm 1995, CIE đã sửa đổi công thức bằng cách đưa ra DeltaE 94 để giải quyết bản chất không tuyến tính của màu trong DeltaEab. Giống như phương pháp CMC l:c, DeltaE94 cũng sử dụng CIEL*C*h* để tính toán sự khác biệt màu sắc. (Jinkai Qian, 2018)

Tuy nhiên, CMC được sử dụng cho mục tiêu trong ngành dệt may, CIE94 lại được sử dụng phổ biến hơn trong ngành sơn và vật liệu phủ. Bạn nên xem xét khi lựa chọn giữa 2 giá trị đo này. Nếu bề mặt vật liệu có cấu trúc không đều (vải), CMC là lựa chọn phù hợp. Nếu bề mặt nhẵn và đều, CIE94 là lựa chọn tốt hơn.

           1.4. CIE2000

DeltaE2000 lần đầu tiên được đề xuất bởi CIE TC1-47 trong CIE Publ.142 vào năm 2001 và được tiêu chuẩn hóa vào năm 2013. Bạn có thể tìm thấy tờ giấy trắng chuẩn ISO cũ hay thông số kỹ thuật IDEAlliance G7 vẫn sử dụng DeltaEab làm công thức để thể hiện sự sai lệch màu sắc với DeltaE2000 với mục đích tham khảo. Kể từ năm 2013, cả ISO và IDEAlliance đã áp dụng DeltaE2000 làm tiêu chuẩn để tính toán sự sai lệch màu. (Jinkai Qian, 2018)

Công thức cho CIE2000 sử dụng toán học tiên tiến nhất hiện nay và cung cấp sự phù hợp tốt nhất cho mắt người. Mặc dù đã khắc phục được vấn đề về độ đậm nhạt với CIE94, nhưng nó không phải là không có lỗi, đặc biệt khi so sánh các màu khác nhau gốc 180o.

         Vậy, phương trình nào sẽ được chọn và nó sẽ được sử dụng như thế nào?

– Những vấn đề cơ bản, cần tính toán nhanh, bạn có thể chọn CIE76 nhưng cẩn thận với những khuyết điểm của phương trình này.

– Dùng cho đồ họa kiến nghị sử dụng CIE94 và CMC 2:1

– Đối với ngành dệt, sử dụng CMC 1:1

– CIE2000 đã trở thành công thức tiêu chuẩn để sử dụng. CIE2000 khuyến nghị được sử dụng cho tất cả trường hợp ngoại trừ ngành dệt vẫn dùng CMC 1:1. (Steve Upton, 2005)

2. ICC Profile

Dùng để mô tả khả năng phục chế màu của một thiết bị trên nền giao thức chuẩn được định nghĩa bởi Hiệp hội màu quốc tế (International Color Consortium – ICC).

Một hồ sơ màu sẽ cho biết khả năng phục chế màu của một thiết bị như máy quét, màn hình, máy in. Ví dụ, một hồ sơ có thể thông báo cho các hệ thống quản lý màu, “Đây là màu đỏ cờ ngả magenta mà thiết bị này có thể xuất ra”. Một hồ sơ cũng có thể xác định một không gian màu ảo không liên quan đến bất kỳ thiết bị cụ thể nào (ví dụ như các không gian màu Adobe RGB). Hồ sơ màu là chìa khóa để quản lý màu. Nếu không có hồ sơ màu, màu đỏ cờ 100% sẽ không có ý nghĩa cụ thể. Nếu có hồ sơ màu, hệ thống quản lý màu có thể nói “màu đỏ này sẽ giống như màu đỏ xuất hiện trên một máy in cụ thể nào đó. “Hồ sơ màu phù hợp với tiêu chuẩn ICC (International Color Consortium) cho phép nó làm việc với tất cả hệ thống quản lý màu. (Ngô Anh Tuấn, 2021)

  • Profile đầu vào (profile máy quét và máy ảnh kỹ thuật số ở RGB).
  • Profile xuất (profile cho máy in thử và máy in thật ở CMYK).
  • Display profile (profile màn hình máy tính ở RGB).

B. Hướng dẫn sử dụng Module ColorCatcher

Yêu cầu: ColorCatcher dùng kết hợp với máy đo màu Techkon SpectroDens.

– Bước 1: Đầu tiên kết nối thiết bị SpectroDens với máy tính thông qua phần mềm SpectroConnect

– Bước 2: Lựa chọn chức năng đo CIE L*a*b* trong máy đo màu SpectroDens

– Bước 3: Chọn chức năng ColorCatcher trong phần mềm SpectroConnect.

Module ColorCatcher có sẵn trong phiên bản SpectroDens Advanced và Premium. Dựa vào phép đo L*a*b* và giá trị tham chiếu của ICC profile đã chọn, module này sẽ hiển thị chuyển đổi sang các giá trị L*C*h*, RGB, CMYK.

Hơn nữa, tính năng tự nhận diện màu tự động sẽ tìm kiếm màu gần giống với mẫu đo từ colorbook theo các tiêu chuẩn có sẵn hoặc tự tạo. Ngoài ra, module còn hiển thị cho người dùng biết giá trị Delta giữa màu đo và màu đề xuất từ colorbook.

ColorCatcher còn cho phép người dùng lựa chọn các tiêu chuẩn Delta E khác nhau (DeltaE CIELab, DeltaE CMC, DeltaE CIE94, DeltaE CIE2000) (tham khảo các tiêu chuẩn DeltaE formula bên trên).

  1. Lựa chọn ICC profile
    • ICC monitor profile: lựa chọn Profile màn hình đang sử dụng.

    • ICC printer profile: lựa chọn profile máy in dựa vào vật liệu in. Trong ColorCatcher có sẵn các tiêu chuẩn vật liệu theo chuẩn SWOP, FOGRA,…

    • DeltaE Formula: lựa chọn công thức khác biệt màu (tham khảo các phương trình DeltaE bên trên).
    • Rendering Intent: lựa chọn phương thức diễn dịch màu (tham khảo các phương thức diễn dịch màu bên trên).

2. Đo mẫu

3. Tính toán giá trị L*a*b*-, RGB-, L*C*h*-, CMYK- dựa trên ICC profile đã chọn cho mẫu đo

4. Hiển thị kết quả màu phù hợp nhất từ Colorbook đã chọn

5. Tính toán giá trị L*a*b*-, RGB-, L*C*h*-, CMYK- dựa trên ICC profile đã chọn

6. Colorbook tự tạo

7. Màu từ colorbook

8. Giá trị khác nhau giữa 2 màu

Kết luận:

Việc sử dụng máy đo màu SpectroDENS và phần mềm SpectroConnect sẽ giúp cho công việc quản lý màu sắc của công ty in được dễ dàng và chính xác hơn. Chức năng ColorCatcher là một công cụ rất mạnh để giúp tiết kiệm thời gian và nguyên vật liệu.

Nhờ có bộ khai báo ICC profile, dE formula, Rendering Intent sẽ giúp người dùng xem được sự thay đổi màu sắc bằng trực quan, các giá trị CMYK, RGB, Lab để có thể thấy được màu sắc khác nhau khi in trên các loại vật liệu theo tiêu chuẩn khác nhau.

 

Nguồn tham khảo:

[1] Canon Singapore Pte Ltd. (2017, 06 22). introduction-to-fine-art-printing-part-3-colour-profiles-and-rendering-intents. Retrieved from snapshot.canon-asia.com: https://snapshot.canon-asia.com/vietnam/article/vi/introduction-to-fine-art-printing-part-3-colour-profiles-and-rendering-intents

[2] Jinkai Qian. (2018, September 11). A SIMPLE REVIEW OF CIE ΔE* (COLOR DIFFERENCE) EQUATIONS. Retrieved from https://techkonusa.com: https://techkonusa.com/a-simple-review-of-cie-%CE%B4e-color-difference-equations/

[3] Ngô Anh Tuấn. (2021). Màu sắc lý thuyết và ứng dụng. Việt Nam.

[4] Steve Upton. (2005, Febuary 17). Delta_E:_The_Color_Difference. Retrieved from www.colorwiki.com: http://www.colorwiki.com/wiki/Delta_E:_The_Color_Difference

Không có bình luận

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>