Đào tạo theo nhu cầu, lấy người học làm trung tâm, ứng dụng công nghệ đã trở thành trọng tâm cốt lõi giáo dục nghề nghiệp của thế kỷ 21. Thiết bị và công nghệ không ngừng thay đổi trong kỷ nguyên số, làm thế nào để xây dựng đội ngũ kỹ thuật đáp ứng được sự phát triển không ngừng của công nghệ, luôn là câu hỏi của những cơ sở đào tạo. Học viện In Việt Nam (Prima) với sứ mệnh góp sức cho sự phát triển của ngành in Việt nam, đã và đang xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội, đáp ứng cho nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp. Xin giới thiệu với bạn đọc một số mô hình đào tạo mà Prima đang thực hiện.
Đặt vấn đề
Đào tạo nguồn nhân lực luôn là mối quan tâm của những nhà quản trị Doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, sự thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo của ngành In đã trở nên đáng báo động. Không chỉ thiếu Công nhân kỹ thuật – những người vận hành máy, mà ngay cả đội ngũ quản lý cấp trung cũng thiếu hụt nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển chung của Ngành In, trước cơ hội rộng mở của thị trường In ấn toàn cầu đang rộng mở.
Theo báo cáo của Hiệp hội in VN năm 2022, hiện nay có khoảng 70.000 lao động làm việc trong hơn 2.300 DN in cả nước. Trung bình số người đến tuổi về hưu chiếm 5%.
Như vậy, hàng năm ngành in cần bổ sung ít nhất 3.500 lao động mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Hơn 70% lực lượng lao động chưa qua đào tạo.
Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, đa số các Doanh nghiệp đều tuyển dụng từ lực lượng lao động phổ thông và tự đào tạo, theo kiểu truyền nghề trong quá trình làm việc. Khi một người được tuyển sẽ được bố trí vào một công đoạn sản xuất, được người đi trước hướng dẫn cho đến khi thạo việc.Cách thức này, có thể giúp Doanh nghiệp có ngay lực lượng lao động tham gia sản xuất, không tốn chi phí đào tạo. Nhưng về lâu dài, người lao động sẽ khó phát triển nghề nghiệp, vì họ không được trang bị những kiến thức của nghề để hiểu cách vận hành của ngành công nghiệp, vai trò của họ trong dây chuyền sản xuất, thiếu nền tảng cơ bản để tiếp thu công nghệ và phát triển năng lực bản thân. Khả năng làm việc của họ, tùy thuộc vào sự chỉ bảo của người đi trước.
Thực tế, nhiều năm tham gia đào tạo Công nhân ngành In trên cả nước, Học viện Printmedia Việt nam (Prima) nhận thấy rằng, những lao động chưa qua đào tạo, chỉ dừng lại ở biết cách vận hành máy. Họ có thể thành thục việc vận hành, nhưng không giải thích được cách thức vận hành của thiết bị, không hiểu được những đặc điểm của quy trình sản xuất, xử lý các vấn đề theo hướng thử và sai… Do chưa được đào tạo, đa số thường không thấy được tầm quan trọng của việc bảo dưỡng, vệ sinh và bảo trì thiết bị.
Mặt khác, hầu hết các nhà In thiếu hẳn bộ phận chuyên trách về đào tạo, nên mỗi người sẽ hiểu công việc theo cách mà họ tiếp nhận trong việc học nghề, mà thiếu hẳn một nền tảng chung về nghề nghiệp và dây chuyền trong sản xuất của nơi mình làm việc.
Quan điểm của Prima
Đã nhiều năm hoạt động đào tạo trong ngành In, các chuyên gia của Prima xác định rằng, luôn có sự khác biệt về trình độ công nghệ, trang thiết bị, tay nghề của người thợ giữa các Công ty trong ngành và ở mỗi Địa phương. Cấu trúc Doanh nghiệp, quy trình sản xuất, phân khúc thị trường ở mỗi Nhà in cũng không giống nhau, tính đa dạng và đặc thù của sản phẩm ở mỗi Doanh nghiệp cũng khác biệt. Prima xác định rằng một chương trình chung cho mỗi điều kiện khác nhau, khó có điều kiện phát huy hết hiệu quả.
Sau nhiều cuộc khảo sát, giảng dạy và tổ chức đánh giá trình độ ở nhiều Công ty ở các địa phương khác nhau. PrintMedia Việt Nam đã đưa ra mô hình đào tạo tích hợp dựa trên năng lực và điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp – “CÙNG HỌC- CÙNG LÀM”. Mô hình này là sự kết hợp của nhiều yếu tố, với mục tiêu tập trung vào chính đơn vị được đào tạo, bao gồm: trình độ công nghệ, trang thiết bị, quy trình làm việc tại nơi được đào tạo, sản phẩm/ sản phẩm đặc thù của doanh nghiệp, năng lực thực tế của người học, định hướng và mục tiêu của doanh nghiệp … Tất cả các yếu tố này được khảo sát và đánh giá. Từ đó, Prima đưa ra chương trình đào tạo riêng cho từng Doanh nghiệp, phù hợp thực tế của Doanh nghiệp.
Hình 1: Giảng viên và Học viên của Prima trong mô hình cùng học – cùng làm
Dựa trên nền tảng chung của các chương trình giáo dục nghề nghiệp của ngành In trên thế giới. Prima thiết kế chương trình đào tạo dựa trên sự trải nghiệm của người học qua thực hành thực tế, cùng với sự hướng dẫn của Giáo viên. Những kiến thức, kỹ năng mới sẽ do chính người học khám phá và trải nghiệm. Người học cũng tham gia vào hành trình học tập thông qua các bài tập, worksheet,cũng như bằng chính quá trình sản xuất sản phẩm… Với những điều kiện của cnơi mà họ làm việc. Những kiến thức và kỹ năng của người học được áp dụng vào chính môi trường làm việc hàng ngày của họ. Cùng làm việc với Giáo viên, người học sẽ có những trải nghiệm khác nhau trong quy trình sản xuất chung. Điều này giúp người học hiểu rõ vai trò và ảnh hưởng của họ trong quy mô chung của tổ chức.
Về đào tạo tại doanh nghiệp, quan điểm của Prima, mỗi một công ty cần có bộ phận đào tạo cho những người mới và đào tạo thường xuyên cho nhân viên của mình. Vì thế, Ngoài việc đào tạo Công nhân, cán bộ quản lý cấp trung, Prima cũng đồng thời xây dựng chương trình giáo viên hạt nhân, là những cán bộ quản lý cấp trung ở mỗi công đoạn sản xuất. Đây là lực lượng hạt nhân được Prima đào tạo về kiến thức, kỹ năng nghề, kỹ năng sư phạm để trở thành những người huấn luyện tại Công ty. Prima cung cấp bài giảng và tài liệu để những những người huấn luyện này thực hiện đào tạo nhân viên mới theo một nền tảng chung của nghề và phù hợp với đặc thù của công ty mà họ làm việc.
Làm thế nào để xây dựng một chương trình đào tạo phù hợp.
Dĩ nhiên, không có một chương trình hoàn hảo, nhưng có thể thiết kế một chương trình tốt nhất cho một điều kiện, quy trình và một nhóm phân khúc thị trường sản phẩm cụ thể.
Việc đầu tiên cần làm là khảo sát điều kiện làm việc, quy trình công nghệ, năng lực nhân viên tại nơi được đào tạo. Khảo sát qua bảng khảo sát và phỏng vấn nhân viên về cách mà họ làm việc và ứng dụng công nghệ thế nào trong công việc, có các điều kiện hỗ trợ thế nào? Tình trạng trang thiết bị, môi trường làm việc, quy trình vận hành, vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị…
Khảo sát cũng cho biết những vấn đề tồn tại của doanh nghiệp, những khiếm khuyết của hệ thống, trình độ của nhân viên, các vấn đề của dây chuyền sản xuất, cũng như những kỳ vọng của nhân viên và lãnh đạo Doanh nghiệp.
Thiết kế chương trình đào tạo, cập nhật quy trình và những công nghệ mới. Từ kết quả khảo sát, các chuyên gia của Prima thảo luận và đưa ra định hướng chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện, sản phẩm của doanh nghiệp. Các chương trình của Prima thiết kế dựa trên nền tảng chung của ngành công nghệ, tham khảo từ các chương trình đào tạo công nhân của PIA/GAFT, từ phần mềm mô phỏng SINAPSE… và chương trình dạy nghề của các hiệp hội nghề In của các nước tiên tiến, cá nhân hóa theo mục tiêu và điều kiện của Doanh nghiệp.
Hình 2: Khảo sát tại doanh nghiệp
Lấy ý kiến người học là một bước không thể thiếu. Chương trình dự thảo được gởi đến doanh nghiệp và tham khảo ý kiến người học. Những phản hồi của người học, yêu cầu của doanh nghiệp được Prima thảo luận với các bên liên quan để hoàn thành một chương trình tối ưu nhất, theo yêu cầu của người học và đáp ứng những kỳ vọng cụ thể của từng doanh nghiệp. Sự đồng thuận trong chương trình đào tạo, chính là bước thành công đầu tiên.
Các nguyên tắc cơ bản trong đào tạo nghề của Prima.
Mặc dù học là một quá trình phức tạp, nhưng có sáu điểm chính mà các chuyên gia của Prima luôn lưu ý và tuân thủ khi giảng dạy và hướng dẫn các khóa học và với từng bài học.
- Học tập là tiến hành từ cái đã biết đến cái chưa biết. Do đó, điều rất quan trọng trong việc thiết kế một khóa học và các bài tập hướng dẫn là phải biết Học viên như thế nào và họ đã biết gì. Hướng dẫn nên bắt đầu với những thứ quen thuộc với Học viên và chuyển sang phần khó hơn với phương pháp hợp lý.
- Các cá nhân có khuynh hướng học hỏi theo những cách khác nhau, việc học tập cũng diễn ra với tốc độ khác nhau ở mỗi cá nhân. Vì thế, điều quan trọng là phải cung cấp các tốc độ và phong cách học tập khác nhau trong thiết kế giảng dạy.
- Học tập là một quá trình giao tiếp, có nghĩa là cần có sự trao đổi, đối thoại giữa Giáo viên và Học viên. Prima khuyến khích làm việc nhóm, thảo luận và trao đổi mọi vấn đề mà người học quan tâm với Giáo viên.
- Kiến thức sẽ không được lưu giữ nếu không có một số hình thức ứng dụng. Chúng ta phải tận dụng những thông tin mới nếu nó cần ghi nhớ, và trở thành một phần trong thói quen làm việc hàng ngày của chúng ta. Những kiến thức, kỹ năng cung cấp cho Học viên cơ hội tích hợp các khái niệm và nguyên tắc mới vào khung kiến thức hiện có của họ. Việc thực hành sau đó càng chặt chẽ sau quá trình học ban đầu, kết quả càng tốt.
- Học tập hiệu quả nhất khi nó được tổ chức và có cấu trúc tốt, được tiến hành một cách hợp lý và tuần tự. Đặc biệt, với các Học viên trưởng thành có xu hướng muốn có một cấu trúc cho phép họ theo dõi tất cả các chi tiết và sự kiện có liên quan đến nhau. Một trình tự logic phải được tuân thủ trong tất cả các hướng dẫn. Trình tự đó phải được người tham gia nhận biết thông qua các trao đổi trực quan và rõ ràng.
- Việc đào tạo chỉ có thể thành công khi có sự tham gia tích cực của ba bên: (1) Giáo viên chịu trách nhiệm giảng dạy, xem xét tài liệu, chuẩn bị bài học, các hướng dẫn thực hành và đánh giá Học viên, (2) Học viên chịu trách nhiệm chuẩn bị các bài học và bài kiểm tra. Tham gia vào các hoạt động học tập và thu nhận kiến thức để thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể. (3) Cán bộ quản lý hoặc nhân viên hành chính của cơ sở được đào tạo. Đây là người xác định mục tiêu đào tạo, hỗ trợ và hướng dẫn Học viên, cung cấp động lực cho quá trình đào tạo. Không có sự quản trị phù hợp, một chương trình đào tạo sẽ không hiệu quả.
Điều quan trọng khi bắt đầu một chương trình đào tạo, mỗi bên liên quan phải thấy rõ kỳ vọng của nhau. Học viên phải biết họ đạt được điều gì từ Giáo viên và người quản lý Doanh nghiệp.
Hình 3: Trao đổi để đạt sự đồng thuận
Prima cũng ý thức rằng những người tham gia khóa học hầu hết là người lớn. Qua nhiều năm trưởng thành các hành vi, phong cách học tập và tính cách cá nhân của từng người đã phát triển đầy đủ. Người trưởng thành có bề dày kinh nghiệm cá nhân và nghề nghiệp, nguồn kinh nghiệm này là một tài nguyên mạnh mẽ và tạo ra môi trường thử thách cho các Giáo viên. Người lớn mong đợi sự đào tạo chất lượng cao và có thể có những giả định nhất định trong việc đào tạo. Những trải nghiệm trong quá khứ của họ trong lớp học có thể tiêu cực hoặc gây thất vọng. Khi đối mặt với một lớp học có vị trí ghế ngồi hướng về một phía, hầu hết sẽ có thái độ buồn chán.
Để làm cho lớp học trở thành một trải nghiệm đáng giá cho tất cả người tham gia, Giáo viên cần phải hiểu và nhận thức được các đặc điểm của người học trưởng thành. Prima có chương trình huấn luyện kỹ năng sư phạm cho các Giáo viên hạt nhân tại cơ sở những nguyên tắc học tập của người lớn.
Phương pháp tiếp cận trong đào tạo
Prima sử dụng nhiều phương pháp trong quá trình đào tạo, học qua trải nghiệm, học tập tích hợp, học tại hiện trường., sử dụng đa phương tiện, dạy học theo hướng quy nạp, học bằng cách làm việc… nhằm đem đến sự tối ưu về điều kiện học tập của người học.
Experiential learning (EL): Học tập trải nghiệm là một cách hiệu quả để giúp mọi người xác định những thay đổi cần thiết đối với kỹ năng, thái độ và hành vi của họ, để đạt hiệu quả tốt hơn.
EL không phải là một quá trình thụ động xảy ra với người học; đúng hơn nó là một quá trình tích cực thu hút người học.
EL một cách đơn giản hơn, chính là học qua làm việc (learning by doing)
Trong đó, Học viên là trung tâm, cùng học – cùng làm với Giáo viên là hành trình trải nghiệm, rút kinh nghiệm từ thực tiễn đem đến những bài học về kỹ năng và tư duy phát triển nghề nghiệp.
Các chương trình Prima xây dựng kịch bản sư phạm cho mỗi đối tượng Học viên khác nhau, như đối với các công việc vận hành/điều chỉnh/kiểm soát Giáo viên sẽ hướng dẫn và làm mẫu tại máy in/máy tính, sau đó Học viên sẽ thực tập dưới sự giám sát của Giáo viên và rút ra các kết luận về công việc qua các bản công việc (worksheet). Đối với các Học viên là cán bộ quản lý cấp trung, Giáo viên sẽ đưa ra các tình huống thực tế, cùng Học viên phân tích và dẫn dắt Học viên đến cách giải quyết dựa trên những điều kiện công nghệ, thiết bị sẵn có tại đơn vị được đào tạo.
Hình 4: Học tập trải nghiệm, làm viêc nhóm
Chương trình đào tạo của Prima dựa trên một định dạng cụ thể giúp Giáo viên, Người học, Người huấn luyện … tiếp cận chương trình một cách mạch lạc theo một trình tự. Được thiết kế linh hoạt cho bất cứ thiết bị in nào, quy trình in nào, Giáo viên nào cũng có thể sử dụng định dạng và những thông tin cơ bản, thêm các nội dung khác vào tài liệu theo yêu cầu cho những mục đích cụ thể. Một chương trình của Prima có bốn nội dung/chủ đề giảng dạy được thiết kế để sử dụng kết hợp với nhau. Trong mỗi nội dung có phần kiến thức và phần thực hành. Phần kiến thức được thiết kế để trình bày trên lớp học, phần thực hành được thiết kế cho hoạt động tại xưởng. Để có kết quả tối ưu, kiến thức được trình bày trước, sau đó các thao tác thực hành liên quan đến các kiến thức đã được trình bày trước đó. Bao gồm:
- Giới thiệu
- Hướng dẫn mục tiêu và nhiệm vụ tổng thể của bài học, các điểm chính để định hướng Học viên về chủ đề và kết quả mong đợt đạt được sau bài học.
- Các yêu cầu về an toàn
- Phần kiến thức cho mỗi nội dung và kế hoạch cho các buổi học trên lớp.
- Kiến thức chung và riêng trong mỗi nội dung, nhiệm vụ của bài học.
- Đồ dùng/dụng cụ/công cụ sử dụng trên lớp học và thực hành xưởng. Giáo viên khuyến khích bổ sung các công cụ mà họ thấy cần thiết cho cơ sở của họ.
- Các hoạt động thực hành được đề xuất. Các hoạt động này giúp Học viên phát triển và trau dồi kỹ năng giải quyết vấn đề liên quan đến chủ đề được đưa vào mọi phần trong kiến thức của một bài học.
- Tài liệu tham khảo bắt buộc bao gồm tất cả các kiến thức có trong nội dung bài học.
- Phần thực hành
- Nhiệm vụ thực hành, mục tiêu cụ thể và kết quả mong đợi sau khi hoàn thành.
- Dụng cụ, thiết bị và vật liệu dùng trong quá trình thực hành.
- Đề cương giảng dạy trong từng phần thao tác riêng lẻ, thực hành làm mẫu, hướng dẫn và giám sát quá trình làm việc của Học viên.
- Phiếu thao tác trong từng hoạt động riêng lẻ và danh sách kiểm tra các quy trình vận hành.
- Với mỗi Công ty, các thủ tục bổ sung dành riêng cho đặc thù của họ, có thể được tùy chỉnh tương ứng với thiết bị, công nghệ, sản phẩm đặc thù của họ. Các thủ tục này được bổ sung vào quy trình văn bản của Công ty sau khi hoàn thành.
- Đánh giá công việc
- Bảng công việc cho Học viên (worksheet): Ghi chú các công việc hoàn thành, các tham khảo nhanh. Bảng công việc được hoàn thành sau mỗi phần kiến thức, nhiệm vụ thực hành.
- Đánh giá mỗi nhiệm vụ sau khi hoàn thành, bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm, được lấy từ tài liệu kiến thức cung cấp cho Học viên và các thảo luật trong giờ học.
- Đánh giá hoàn thành công việc sau khi hoàn thành một nhiệm vụ là cần thiết trước khi chuyển sang chủ đề/nhiệm vụ tiếp theo.
Trong định nghĩa này, ‘Hoạt động’ có thể bao gồm bất cứ điều gì từ một cá nhân giải thích một ý tưởng hoặc hoàn thành một nhiệm vụ đơn giản đến các tương tác nhóm rất phức tạp liên quan đến một loạt các thuộc tính và hành vi tinh thần.
EL, không có rào cản nào do tuổi tác, trình độ học vấn, kinh nghiệm, khả năng, nền tảng hay văn hóa..
Ứng dụng công nghệ mô phỏng trong đào tạo nghề
Trong cách học truyền thống, người học là người tiếp thu thông tin thụ động, thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề, thiếu nguồn lực. Kiến thức chỉ có thể được tiếp thu thông qua bài giảng và sách vở. Công nghệ đa phương tiện (Multimedia) đã thay đổi cách thức dạy học truyền thống. Với các yếu tố khác nhau như văn bản, đồ họa, âm thanh, video và hình ảnh động được tích hợp chung trong một phần mềm. Bằng cách tương tác, kỹ thuật mô phỏng đa phương tiện đem lại nhiều hiệu quả trong giáo dục nghề nghiệp.
Robert Winter, tác giả sác “UCLA Roundtable in Multimedia”
SHOTS (Sheetfed Offset Training Simulator) là một dự án nghiên cứu hợp tác được tài trợ trong khuôn khổ chương trình CRAFT của Châu Âu, quy tụ 22 tổ chức từ 5 quốc gia.
Mục tiêu của SHOTS là xây dựng một mô hình chung của quy trình in offset tờ rời và thể hiện mô hình này trong phần mềm mô phỏng SINAPSE.
In Offset tờ rời là là phân khúc lớn nhất ngành In, với hơn 80.000 nhà in và hơn 1.000.000 việc làm, chỉ riêng tại EU.
Mô phỏng cho phép người học làm việc theo nhịp độ riêng và tự điều khiển cách học của bản thân. Mô phỏng giúp người học học với một người thầy vô cùng kiên nhẫn, không phụ thuộc không gian và thời gian. Để phù hợp với thị trường, Prima cung cấp cho Học viên môi trường học tập bằng ngôn ngữ Tiếng Việt trong phần mềm mô phỏng in offset tờ rời của SINAPSE.
Hình 4: Giao diện tiếng việt của SHOTS.
Các ưu điểm của việc sử dụng phần mềm mô phỏng trong đào tạo nghề.
- Mô phỏng tiết kiệm hơn so với thử nghiệm thực tế:
Thử nghiệm trong thế giới thực đòi hỏi nhiều chi phí lớn, không chỉ có chi phí vốn cho việc thay đổi quy trình, thuê nhân viên mới hoặc mua thiết bị mới mà còn cả chi phí liên quan đến hậu quả của những việc đó. Ví dụ: Sử dụng mô phỏng in Sinapse hao tốn ít hơn so với việc mua một máy in thật, có thể thử nghiệm “ảo” trên phần mềm để dự đoán kết quả thay vì phải làm trên máy thật.
Hình 5: Thử nghiệm ảo và kết quả tham khảo
- Thử nghiệm các ý tưởng khác nhau trong cùng hoàn cảnh
Khi thử nghiệm những thay đổi trong thực tế, rất khó để lặp lại các trường hợp chính xác, vì vậy ta có thể chỉ có một cơ hội để thu thập kết quả của một lần thử nghiệm. Điều này có nghĩa là không thể dễ dàng kiểm tra các ý tưởng khác nhau, trong những trường hợp giống hệt nhau và kết quả là có thể không nhận được thông tin chính xác để đưa ra các quyết định cuối cùng.
Với phần mềm mô phỏng, người dùng có thể kiểm tra lại cùng một hệ thống với các đầu vào khác nhau, đảm bảo rằng bất kỳ thay đổi nào đối với các quy trình đều đã được kiểm tra kỹ lưỡng. Với SHOTS, có thể thay đổi các mức độ mở của phím mực trong một bài in để tìm ra thông số phù hợp cho sản phẩm in đó. Điều này, trong thực tế sẽ tốn nhiều vật tư và thời gian.
Hình 6: Thiết lập các điều kiện mực khác nhau và xem kết quả.
- Xác định tác động lâu dài của những thay đổi trong quy trình làm việc
Mặc dù những thay đổi về quy trình có thể có tác động tức thì trong ngắn hạn, nhưng làm thế nào để có thể chắc chắn rằng những thay đổi đó cũng sẽ có tác động theo đúng mong muốn về lâu dài?
Ví dụ như sự nhũ tương hóa của một loại mực, với mô phỏng thì ta có thể chạy 200, 10.000 hoặc thậm chí 100.000 tờ in trong vài giây. Điều này cung cấp cái nhìn sâu sắc và nhanh chóng thay vì phải chờ một thời gian dài để xem kết quả.
Hình 6: Xem xét tác động lâu dài trong quá trình làm việc.
- Xác định tác động tiềm tàng của các sự kiện ngẫu nhiên
Trong dây chuyền sản xuất công nghiệp thực tế, luôn có những biến đổi bất thường xảy ra trong lúc vận hành máy móc. Qua mô phỏng, có thể tự tạo ra các biến đổi và quan sát chúng nhằm phòng trừ khả năng xảy ra khi đưa vào sản xuất thực tế.
Ví dụ: Ta có thể thực hiện các bài tập mô phỏng in để quan sát và tìm hướng giải quyết khi xảy ra các biến đổi trong quy trình vận hành (chúng có thể là vấn đề về chồng màu, mực/nước, dặm mực..).
- Mô phỏng hướng dẫn tư các quy trình
Mô phỏng giúp hiểu thấu đáo về mọi khía cạnh của quy trình. Bằng cách ánh xạ từng phần của quy trình để xây dựng mô phỏng. Vì không có giới hạn về mức độ thử nghiệm để cải thiện quy trình, nên có thể nhanh chóng đưa ra nhiều ý tưởng khác để kiểm tra và đo lường kết quả.
Đôi khi mô phỏng thậm chí không cần phải hoàn thành, nó tạo ra những tình huống khuyến khích người học tư duy để có thể tìm ra giải pháp.
Ví dụ: Trong Sinapse, có nhiều lỗi xảy ra nhưng do một nguyên nhân. Ví dụ như Dotgain, sai màu, biến dạng lô cáo su. Khi giải quyết vấn đề, Học viên phải tự tìm hướng giải quyết, và biết được rằng là cần giảm áp lực in; và đồng thời cũng hiểu thêm là áp lực in ngoài gây ra Dotgain còn gây ra sai màu và biến dạng cao su.
Kết luận.
Thay đổi cách dạy, cách học và ứng dụng công nghệ trong đào tạo, không phải là điều mới trên thế giới. Áp dụng những phương thức này vào giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam đang được Prima xây dựng và dần hoàn thiện. Nhằm chia sẻ và tạo một kênh đào tạo nhằm cung cấp cho thị trường lao động Việt nam nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Song song đó, Prima cũng cung cấp cho các doanh nghiệp In chương trình đào tạo hạt nhân, giúp cho các doanh nghiệp có nguồn lực đào tạo cho riêng mình, để có thể gây dựng một đội ngũ lao động có năng lực, kiến thức làm nền tảng cho sự phát triển công nghệ, đủ sức mạnh cạnh tranh và mở rộng thêm những phân khúc thị trường mới.
Thiết kế chương trình phù hợp với điều kiện của mỗi doanh nghiệp, xây dựng chương trình hướng đến Học viên và kết hợp nhiều phương pháp, công cụ, phần mềm trong đào tạo nghề, là chìa khóa dẫn đến sự đổi mới và thành công.
Tham khảo:
[1] Sinapse Print – Training Simulators & Software for the Printing Industry
[2] https://opentextbc.ca/teachinginadigitalage/chapter/4-4-models-for-teaching-by-doing/
[3] https://www.wgu.edu/blog/experiential-learning-theory2006.html
[4] Abhaya Asthana, Multimedia in Education-Introduction, The Elements of, Educational Requirement. Classroom Architecture and Resource, Concerns, từ http://encyclopedia.jrank.org/articles/pages/6821/Multimedia-in-Education.html