Prima.vn - Cổng thông tin điện tử ngành in và bao bì Việt Nam
Trang chủ » TRIỂN VỌNG THỊ TRƯỜNG NĂM 2023 (PHẦN 1)

Chia sẻ

TIN TỨC

TRIỂN VỌNG THỊ TRƯỜNG NĂM 2023 (PHẦN 1)

TRIỂN VỌNG THỊ TRƯỜNG NĂM 2023 (PHẦN 1)

1. UBS

1.1 Suy thoái kinh tế có khả năng không thể tránh khỏi trong năm 2023

Cho đến ngày 01/11/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất trong 6 cuộc họp liên tiếp với tổng cộng 375 điểm cơ bản. Nếu FED thực hiện kế hoạch tăng 50 điểm cơ bản dự kiến vào tháng 12, thì họ sẽ có mức thắt chặt tích lũy lớn nhất, tính theo năm dương lịch, kể từ 1980 đến nay. Tốc độ và mức độ tăng lãi suất, theo mục đích của FED, đang đè nặng lên nền kinh tế Mỹ để đưa lạm phát đi xuống.

Trong bối cảnh đó, hơn 75% các nhà quản lý quỹ cho rằng suy thoái kinh tế có thể xảy ra trong 12 tháng tới – với mức độ gần tương đương với thời điểm thị trường bi quan nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 và đại dịch COVID-19 năm 2020.

 

1.2 Nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ phục hồi đáng kinh ngạc

Mặc dù suy thoái kinh tế rất có khả năng sẽ diễn ra, nhưng các nhà đầu tư có thể ngạc nhiên trước khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu – ngay cả khi các điều kiện tài chính bị thắt chặt như vậy.

Thị trường lao động chắc chắn sẽ hạ nhiệt, nhưng bảng cân đối kế toán hộ gia đình tích cực sẽ tiếp tục hỗ trợ chi tiêu trong lĩnh vực dịch vụ. Hơn nữa, một số yếu tố cản trở lớn đối với nền kinh tế thế giới bắt nguồn từ châu Âu và Trung Quốc đang sẵn sàng trở nên tốt hơn chứ không tồi tệ đi, từ nay đến cuối quý 1 năm 2023.

Trong khi đó, Trung Quốc đang báo hiệu việc nới lỏng các biện pháp hạn chế COVID-19, ngay cả khi số ca nhiễm tăng cao. Điều này nếu diễn ra sẽ cho phép thúc đẩy tiêu dùng. Quá trình này khó có thể diễn ra theo một đường thẳng, nhưng đối với chúng tôi, chiều hướng đi lên có vẻ khá rõ ràng. Niềm tin của chúng tôi rằng Trung Quốc đã chạm đáy được củng cố vì những điều chỉnh này đối với chính sách COVID-19 đang diễn ra song song với sự hỗ trợ toàn diện nhất cho lĩnh vực bất động sản được quan sát thấy cho đến nay. Một Trung Quốc đang phục hồi có thể mang lại một sự thúc đẩy cần thiết khi các nền kinh tế phát triển chậm lại, nhưng cũng có khả năng dẫn đến giá cả hàng hóa cao hơn – đồng nghĩa với việc các ngân hàng trung ương sẽ có thể phải tăng lãi suất để kéo lạm phát đi xuống.

 

1.3 Đồng USD và các yếu tố ảnh hưởng

Fed có thể sẽ khá chậm trong việc kết thúc hoặc đảo ngược chu kỳ tăng lãi suất miễn là thị trường lao động Mỹ suy giảm nhưng không bị phá vỡ, trong khi các dấu hiệu cho thấy lạm phát tổng thể đã đạt đỉnh có thể làm giảm khả năng thắt chặt quá mức. Tuy nhiên, áp lực về giá có thể vẫn ở mức cao – một tác dụng phụ của thị trường lao động Mỹ mạnh mẽ. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ trong nước tăng lên, cân bằng phần nào áp lực giảm lạm phát mà giá hàng hóa gây ra.

Về tiền tệ, chúng tôi tin rằng đồng USD đã chuyển từ xu hướng tăng mạnh sang dao động trong biên độ nhất định. Theo chúng tôi, các chất xúc tác cho sự thay đổi lớn của đồng USD bao gồm viêc FED ngừng tăng lãi suất, chính sách zero-COVID-19 của Trung Quốc chấm dứt, và áp lực năng lượng ở châu Âu bắt nguồn từ cuộc xâm lược Ukraina của Nga giảm bớt. Không có điều nào nêu trên đã thực sự diễn ra, nhưng cả ba dường như đang tiến gần hơn đến việc được hiện thực hóa.

Chúng tôi thừa nhận rằng triển vọng vĩ mô trong ngắn hạn đang đầy bất ổn một cách bất thường.

Nhưng bất kể năm 2023 mang lại điều gì, chúng tôi tin rằng lạm phát, tăng trưởng và các yếu tố địa chính trị đã gây ra xung đột thị trường vào năm 2022 đang làm tăng phần thưởng tiềm năng cho các nhà đầu tư trung và dài hạn sẵn sàng chấp nhận những rủi ro này. Đây có thể xem là tin tốt trong bối cảnh thị trường xấu.2 Đồng USD đã trở nên đắt đỏ hơn trong năm qua, điều này theo dự đoán của chúng tôi sẽ làm tăng mức giảm giá dự kiến của đồng USD theo thời gian khi nó quay trở lại giá trị hợp lý.

 

1.4 Triển vọng tươi sáng hơn cho các nhà đầu tư dài hạn

Kỳ vọng thị trường vốn trong 5 năm của chúng tôi gửi đến một thông điệp rõ ràng: Nỗi đau của năm 2022 có thể đặt nền móng cho những lợi ích tốt hơn trong tương lai. Phạm vi dự báo lợi nhuận, cả ở cấp độ danh mục đầu tư và đối với các loại tài sản riêng lẻ, vẫn còn rộng – đặc biệt là trong ngắn hạn.

Nhưng đối với các nhà đầu tư trung và dài hạn, triển vọng hiện tại sáng sủa hơn nhiều so với giữa năm ngoái.

Nguồn: UBS Asset Management (2022), Investing in 2023, https://lnkd.in/exudCU6V

 

2. APOLLO

2.1 Lạm phát khó có thể quay trở lại mục tiêu 2% của Fed vào năm 2023 nhưng có thể hạ cánh mềm.

Trong hơn một năm rưỡi qua, dự đoán về lạm phát đã tăng lên trong khi kỳ vọng về tăng trưởng GDP đã giảm xuống. Khi chúng ta bước vào năm 2023, chúng ta đang đứng trước nguy cơ lạm phát đình trệ có thể xảy ra—giá cả tăng cùng với tăng trưởng kinh tế suy giảm (Hình 2.1).

Hình 2.1: Chúng ta bước vào năm 2023 với dự đoán lạm phát tăng và tăng trưởng giảm

Nguồn: Bloomberg, Apollo Chief Economist. Dữ liệu được cập nhật đến ngày 14/11/2022.

Thật không may, không có bên nào —từ các ngân hàng trung ương đến các nhà kinh tế trưởng—có thể dự báo lạm phát một cách chính xác trong 18 tháng qua (Hình 2.2). Một trong những lý do chính là nguyên nhân gốc rễ của làn sóng tăng giá mới nhất này vẫn chưa được xác định. Bởi vì chúng ta đã và đang trải qua một loạt cú sốc ngoại sinh bất ngờ và nghiêm trọng đối với nền kinh tế—đại dịch Covid, các chính sách kích thích tiền tệ chưa từng có, chiến tranh ở Ukraine. Những sự diễn biến này đã làm bối rối ngay cả những mô hình dự báo tinh vi nhất.

Hình 2.2 Các dự báo về lạm phát giảm ở Mỹ đã không chính xác 

Lưu ý: Các đường liền nét thể hiện lạm phát thực tế, trong khi các đường chấm chấm thể hiện các dự báo đồng thuận tại bất kỳ thời điểm nào.

Nguồn: Cleveland Fed, Bloomberg, Haver Analytics, Apollo Chief Economist. Dữ liệu tính đến ngày 30/09/2022.

Điều quan trọng là có thể sẽ mất hai đến ba năm – và nhiều đợt tăng lãi suất nữa của Fed – để kiểm soát lạm phát. Dù vậy, các đợt tăng lãi suất trong năm 2022 của Fed đã có dấu hiệu phát huy tác dụng, với nhiều chỉ số lạm phát khác nhau giảm dần vào gần cuối năm. Việc lạm phát đang giảm trước khi có bất kỳ sự suy giảm nào trong thị trường lao động là rất quan trọng đối với thị trường và triển vọng kinh tế. Khi FED chịu ít áp lực hơn trong việc chống lạm phát mạnh mẽ trong tương lai, chúng tôi nghĩ khả năng hạ cánh mềm vào năm 2023 là có thật.

 

2.2 Nguyên nhân gốc rễ của lạm phát vô cùng khó xác định

Tại sao lạm phát gia tăng trên toàn thế giới? Câu trả lời ngắn gọn là: Bởi vì đã có áp lực tăng giá đối với hầu hết mọi thứ, từ nguyên liệu thô, vận chuyển đến nhân công. Câu trả lời đầy đủ hơn lại không thật sự rõ ràng: Áp lực tăng giá đó là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố thúc đẩy cung và cầu.

Dù nguyên nhân là gì, quỹ đạo của lạm phát đã được chứng minh là rất khó dự báo Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất đã bắt đầu cung cấp một số thông tin rõ ràng về bức tranh toàn cảnh về lạm phát cũng như tiên lượng trong tương lai.

Sau khi tăng đột biến trong thời kỳ Covid, lạm phát hàng hóa đã giảm mạnh trong những tháng gần đây, trong khi lạm phát khu vực dịch vụ vẫn có xu hướng gia tăng (Hình 2.3).4

 

Hình 2.3: Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ, chiếm khoảng 80% GDP, đặc biệt nghiêm trọng

Nguồn: Bureau of Labor Statistics (BLS), Haver Analytics, Apollo Chief Economist, Dữ liệu tính đến ngày 31 tháng 10 năm 2022.

Nguyên nhân:

− Chi tiêu cho hàng hóa đang chậm lại do tăng trưởng trong cả sản xuất và bán hàng hóa đều đã rất cao trong thời kỳ Covid, và lĩnh vực này bao gồm các thành phần GDP nhạy cảm hơn với lãi suất, chẳng hạn như nhà ở, ô tô và chi tiêu vốn.

− Rất khó để làm giảm nhu cầu và mức tiêu thụ trong lĩnh vực dịch vụ, bao gồm: du lịch, khách sạn, nhà hàng, v.v sau gần 2 năm phong tỏa.

Tuy nhiên, các vấn đề về nguồn cung đã được giải quyết khi chuỗi cung ứng có dấu hiệu cải thiện: chi phí vận tải đang quay trở lại mức bình thường với cước vận chuyển đường biển, đường bộ, và hàng không dù cao nhưng đã giảm.

Như vậy, FED và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có thể không cần thực hiện thêm nhiều biện pháp “phá hủy nhu cầu” để giảm lạm phát. Trong kịch bản đó, các ngân hàng trung ương sẽ không chịu quá nhiều áp lực để giữ lãi suất cao trong một thời gian dài. Đó là lý do chính tại sao Ủy Ban Thị Trường Mở Liên Bang (FOMC) có thể bắt đầu giảm tốc độ tăng lãi suất và cuối cùng là tạm dừng, rất có thể là vào quý đầu tiên của năm 2023. Nhưng đây không nên được hiểu là sự dao động của Fed đối với mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%.

 

2.3 Triển vọng kinh tế: Liệu Fed có thể tạo ra một cú hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ vào năm 2023?

Xác suất suy thoái đang gia tăng, đặc biệt là ở Tây Âu do áp lực gia tăng từ giá cả hàng hóa cao hơn. Nhưng người tiêu dùng Mỹ vẫn kiên cường, với nhiều khoản tiết kiệm để sử dụng và thị trường lao động nói chung của Mỹ vẫn mạnh mẽ. Trong khi nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, các lĩnh vực có khả năng phục hồi có thể hỗ trợ cho sự hạ cánh mềm, đặc biệt là ở Mỹ.

Nguồn: Apollo Global Management, Inc. (2022), 2023 Economic and Capital Markets Outlook, https://lnkd.in/ewwq_62M

 

3. BNP PARIBAS

Nền kinh tế toàn cầu dường như đang trên đà tiến tới suy thoái. Nguyên nhân khá rõ ràng: các ngân hàng trung ương ráo riết tăng lãi suất để giảm lạm phát, cú sốc năng lượng ở châu Âu, chính sách zeroCovid (ZCP) và thị trường bất động sản lung lay ở Trung Quốc.

 

3.1 Phi toàn cầu hóa trong bối cảnh ‘Tách rời khỏi Trung Quốc’

‘Tách rời khỏi Trung Quốc’ đã trở thành một vấn đề thị trường kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung bắt đầu vào năm 2018, với việc một số quốc gia phát triển lớn đang thúc đẩy việc dịch chuyển hoạt động sản xuất trên toàn cầu của họ về nước. Điều này đã dẫn đến mối lo ngại về phi toàn cầu hóa, hoặc sự phá vỡ chuỗi cung ứng và làm giảm tốc độ thương mại và đầu tư xuyên biên giới. Những diễn biến này đã làm lung lay những bên ủng hộ đầu tư vào châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, nơi nằm ở trung tâm của nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những hạn chế về chuyển giao công nghệ, trong số các biện pháp gây gián đoạn thương mại khác, hiện là bất ổn lớn nhất đối với châu Á; một phần ba kim ngạch xuất khẩu của khu vực này liên quan đến các sản phẩm điện tử và công nghệ khác.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại về triển vọng sản xuất ở châu Á – làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra tình trạng thiếu hụt mọi thứ, từ vật liệu xây dựng, phụ tùng ô tô đến chất bán dẫn.

Dù vậy, vẫn chưa có sự dịch chuyển quy mô lớn nào khỏi Châu Á và Trung Quốc.

Nguyên nhân:

− Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ.

− Thay vì giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng châu Á, các nhà nhập khẩu Mỹ đã tăng nhập khẩu từ khu vực ASEAN rộng lớn hơn.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc tăng mạnh trong 6 năm qua (xem Hình 3.1).

Hình 3.1: Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc vẫn tiếp tục – không có dấu hiệu tách rời (dữ liệu cán cân thanh toán, tỷ USD, tổng luân chuyển 4 quý)

Nguồn: CEIC, BNP Paribas Asset Management, dữ liệu tính đến tháng 10/2022.

Mua nhiều hơn từ ASEAN không có nghĩa là mua ít hơn hoặc tách khỏi Trung Quốc. Thay vào đó, sự thay đổi trong mô hình nhập khẩu này minh họa cho chiến lược “Trung Quốc + 1”, trong đó các công ty tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc cho thị trường địa phương trong khi chuyển một số công suất sang ASEAN.

Di dời là một phương án để quản lý sự gián đoạn chuỗi cung ứng do các vấn đề kinh tế, chính trị và gần đây nhất là Covid-19. Điều này được phản ánh trong dòng vốn FDI vào ASEAN ngày càng tăng (xem Hình 3.2).

Hình 3.2: Dòng vốn FDI vào ASEAN ngày càng tăng (dữ liệu cán cân thanh toán, tỷ USD)

Nguồn: CEIC, BNP Paribas Asset Management, dữ liệu tính đến tháng 10/2022.

Điều quan trọng là một phần lớn dòng vốn FDI chảy vào ASEAN đến từ Trung Quốc, chiếm 40% tổng số hiện nay so với chỉ 10% vài năm trước. Điều này thực sự củng cố sự hội nhập chuỗi cung ứng giữa ASEAN và Trung Quốc hơn là làm suy yếu nó. Linh kiện từng được vận chuyển từ ASEAN sang Trung Quốc, sau đó bán ra thị trường thế giới. Điều đó đã biến Trung Quốc thành công xưởng của thế giới.

Giờ đây, quá trình này dường như đang đảo ngược: Trung Quốc cung cấp cho ASEAN các sản phẩm thúc đẩy xuất khẩu của khu vực ra thế giới. Sự thay đổi này trong quá trình tích hợp chuỗi cung ứng đã mở rộng công xưởng của thế giới đến nay bao gồm cả châu Á.

 

3.2 Gợi ý rút ra

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của châu Á cũng phản ánh chính sách ‘lưu thông kép’ của Trung Quốc. Bắc Kinh đặt mục tiêu sử dụng động lực tăng trưởng nội tại để thúc đẩy tăng trưởng trong nước và khu vực. Tiềm năng này là cơ sở vững chắc cho đầu tư dài hạn ở châu Á mới nổi và Trung Quốc.

Từ góc độ kinh tế vĩ mô, sự phát triển này có thể sẽ dẫn đến các mối liên kết kinh tế mạnh mẽ trong khu vực, cản trở xu hướng phi toàn cầu hóa. Với những lo ngại về lạm phát gia tăng và các công ty phải đối mặt với áp lực giá đầu vào cao hơn, lợi thế về chi phí của việc tìm nguồn cung ứng từ châu Á, nơi có chuỗi cung ứng đã hội nhập sâu hơn với Trung Quốc, đang trở nên rõ ràng hơn.

Những thay đổi tinh vi đang diễn ra để biến châu Á trở thành một trung tâm sản xuất mới nổi cho thị trường thế giới. Chúng tôi thấy có rất ít bằng chứng về sự tách rời toàn cầu và khu vực khỏi Trung Quốc.

Nguồn: BNP Paribas (2022), Investment Outlook For 2023, https://lnkd.in/ec4hWEdm

 

Tài liệu tham khảo của Hội in TPHCM
Tổng hợp và dịch bởi CP paper

 

(XEM TIẾP PHẦN 2)

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

  1. Thanks for the article!

    Trả lời Báo xấu