Thế giới ngày nay đang vận hành để hướng tới Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4IR – Fourth Industrial Revolution), các công nghệ tiên phong, ví dụ như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, mô phỏng…, đang định hình lại tương lai việc làm và đòi hỏi nền tảng kỹ năng kỹ thuật số luôn thay đổi. Do đó, tăng cường kỹ năng số trong các lĩnh vực nghề nghiệp là rất quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh của một quốc gia. Ứng dụng và vận hành công nghệ trong môi trường Kỹ thuật số là xu hướng tất yếu, không chỉ là cấp bách với mỗi Quốc gia và với mỗi ngành.
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các quyết sách mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế số, với Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 đã phê duyệt “Chương trinh Chuyển đổi Số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm đạt được các mục đích Xây dựng: (1) Chính phủ số; (2) Kinh tế số; (3) Xã hội số; và hình thành các doanh nghiệp số có năng lực phát triển toàn cầu. Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Ngày 19/10/2022 Bộ trưởng Bộ TTTT đã ký quyết định 1925/QĐ-BTTTT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục chuyển đổi số quốc gia. Những chuyển động này cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong chiến lược xây dựng và tham gia vào nền kinh tế số toàn cầu. Điều này thúc đẩy mọi ngành nghề, mọi đối tượng trong xã hội phải tham gia vào môi trường số.
Trong loạt bài viết này Prima xin gởi đến bạn đọc những vấn đề về khung năng số và xây dựng khung năng lực số ngành In, nhằm đáp ứng chiến lược phát triển của chính phủ Việt nam và thực tế của ngành Công nghệ in toàn cầu.
Kiến thức và kỹ năng kỹ thuật số là điều cần thiết để mọi người tham gia vào nền kinh tế và xã hội kỹ thuật số, bằng cách đó, họ được hưởng lợi từ các sản phẩm, dịch vụ và nội dung kỹ thuật số. Để không ai bị bỏ lại phía sau trong phát triển kinh tế số, điều cần thiết là phải trang bị cho tất cả công dân của một Quốc gia các kỹ năng số thiết yếu và hiểu biết về kỹ thuật số. Điều này cũng đồng nghĩa với việc để là một thành viên của xã hội, mỗi người đều có một nền tảng chung về kiến thức và kỹ năng chung về kỹ thuật số.
Hình 1: 4IR đã đến
Kiến thức và kỹ năng kỹ thuật số là gì?
Tầm quan trọng của kiến thức kỹ thuật số được chứng minh bằng nhiều nỗ lực của các Quốc gia và khu vực nhằm phát triển và triển khai khung kiến thức kỹ thuật số cũng như các kế hoạch chiến lược nhằm nâng cao kiến thức kỹ thuật số của công dân. Ví dụ, Hàn Quốc có ý định nâng cao trình độ kỹ thuật số của các quan chức nhà nước để tăng tính hiệu quả, tính minh bạch và cung cấp dịch vụ cho người dân thông qua hành chính công (Young, 2016). Hay như Oman đã áp dụng Chương trình giảng dạy kiến thức kỹ thuật số của Microsoft để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, củng cố ngành CNTT và xây dựng năng lực việc làm cho công dân trẻ (Cơ quan công nghệ thông tin Vương quốc Oman, 2008).
Tương tự như vậy, các định nghĩa về kiến thức kỹ thuật số cũng khác nhau. Một số người cho rằng kiến thức kỹ thuật số là một kiến thức mới bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau được thể hiện trong các thực tiễn xã hội mới, đa phương thức. Ví dụ, Ala-Mutka (2011) đã định nghĩa kiến thức kỹ thuật số cho DigComp là kiến thức mới nổi từ các kiến thức khác, bao gồm kiến thức thông tin, kiến thức truyền thông, kiến thức Internet và máy tính hoặc kiến thức về CNTT (tức là kiến thức và kỹ năng về phần cứng và phần mềm). Tương tự, trong Khung chương trình giáo dục cơ bản của Kenya, trình độ kỹ thuật số bao gồm kiến thức truyền thống và kiến thức máy tính.
Năm 2018, UNESCO đề xuất DLGF (Digital Literacy Global Framework – Khung khổ kiến thức kỹ thuật số toàn cầu) nhằm phục vụ cho việc giám sát, đánh giá và phát triển hơn nữa kiến thức kỹ thuật số, có tính đến các cấp độ phát triển khác nhau. Do đó, khung kết quả cần phải có khả năng vận hành được để phục vụ mục đích này. Khi xem xét các khuôn khổ liên quan được thu thập từ các cơ quan chính phủ và phi chính phủ, UNESCO thấy rằng các khái niệm sau thường xuyên xuất hiện: “truy cập”, “quản lý”, “hiểu”, “tích hợp”, “giao tiếp”, “đánh giá” và “sáng tạo”. Do đó, UNESCO đề xuất định nghĩa sau đây về kiến thức kỹ thuật số
Kiến thức kỹ thuật số là khả năng truy cập, quản lý, hiểu, tích hợp, giao tiếp, đánh giá và tạo ra thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua các công nghệ kỹ thuật số cho việc làm, việc làm bền vững và tinh thần kinh doanh. Nó bao gồm các năng lực khác nhau như hiểu biết về máy tính, hiểu biết về CNTT, hiểu biết về thông tin và hiểu biết về truyền thông.
Khảo sát của UNESCO cho thấy rằng có sự chấp nhận chung rằng năng lực hiểu biết về kỹ thuật số đòi hỏi người đó phải có kiến thức và kỹ năng cần thiết, cũng như thái độ là cần thiết để một người có được sự cam kết và động lực nhằm đạt được hiệu quả hoạt động thành thạo và được đưa vào DLGF. Trong việc thiết kế khung năng lực số cho ngành in, Prima xác định đây là một định nghĩa cơ sở của quá trình xây dựng và thiết kế chương trình.
Khung năng lực số công dân châu Âu
Khung năng lực kỹ thuật số dành cho công dân (Digital Competence Framework for Citizens – DigComp 2.0) của Ủy ban Châu Âu (EC – European Commission) là một trong những khung năng lực số ra đời sớm nhất từ những năm 2010. Nó giải thích năng lực số là gì? và cung cấp cơ sở cho việc lên chính sách về các kỹ năng số. Nâng cao nhận thức cho việc phát triển và xác định mức năng lực số. (The Ditital Competence Framework for Citizens, 2020)
Khung Năng lực Số cho Công dân, đưa ra ngôn ngữ chung để xác định và mô tả các năng lực số chính. Đây là công cụ để cải thiện năng lực số của các công dân, giúp những người làm chính sách xây dựng các chính sách hỗ trợ cho năng lực số, lập kế hoạch cho giáo dục và đào tạo để cải thiện năng lực số của các nhóm công dân nhất định.
Hinh 2: ví dụ về khung năng lực số
Khung năng lực số công dân của châu Âu được UNESCO sử dụng làm khung ban đầu để thiết kế Khung kiến thức kỹ thuật số toàn cầu (DLGF) và phát triển một phương pháp có thể làm nền tảng cho Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goal – SDG).
Như vậy, khung năng lực số là các mô tả về những năng lực cần thiết để con người có thể sống và làm việc trong xã hội số hiện nay. Với mỗi lĩnh vực, được hình thành từ những năng lực riêng biệt, các năng lực này kết hợp để tạo ra năng lực trong từng lĩnh vực cụ thể. Như định nghĩa của EU “sử dụng và gắn kết với các công nghệ kỹ thuật số một cách tự tin, có phê phán và có trách nhiệm để học tập, làm việc và tham gia vào xã hội. Nó được định nghĩa là sự kết hợp giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ.”
Ví dụ về khung năng lực DigComp 2.0
Lĩnh vực năng lực | Năng lực |
1. Kiến thức thông tin và dữ liệu | 1.1 Truy cập, tìm kiếm và lọc dữ liệu, thông tin, nội dung số
1.2 Đánh giá dữ liệu, thông tin và nội dung số 1.3 Quản lý dữ liệu, thông tin và nội dung số |
2. Giao tiếp và hợp tác | 2.1 Tương tác thông qua công nghệ số
2.2 Chia sẻ qua công nghệ số 2.3 Tham gia quyền công dân thông qua công nghệ kỹ thuật số 2.4 Hợp tác thông qua công nghệ số 2.5 Sử dụng đúng thức mạng (email, cách đặt mật khẩn, gắn thẻ…) 2.6 Quản lý danh tính kỹ thuật số |
3. Sáng tạo nội dung số | 3.1 Phát triển nội dung số
3.2 Tích hợp và xây dựng lại nội dung số 3.3 Bản quyền và giấy phép 3.4 Lập trình |
4. An toàn | 4.1 Thiết bị bảo vệ
4.2 Bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư 4.3 Bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc 4.4 Bảo vệ môi trường |
5. Giải quyết vấn đề | 5.1 Giải quyết vấn đề kỹ thuật
5.2 Xác định nhu cầu và phản hồi về công nghệ 5.3 Sử dụng sáng tạo công nghệ số 5.4 Xác định khoảng cách năng lực kỹ thuật số |
Đại dịch Covid-19 và những tác động trên phạm vi toàn cầu đã thúc đẩy nhu cầu về kỹ năng kỹ thuật số trong nhiều ngành nghề, bao gồm cả các ngành nghề trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT- information and communications technology) cũng như các lĩnh vực khác. Việc sử dụng hiệu quả các kỹ năng kỹ thuật số đã được chứng minh là động lực thúc đẩy khả năng phục hồi, giúp người lao động và toàn bộ tổ chức thích ứng với thực tế mới do đại dịch gây ra. Kỹ năng kỹ thuật số cũng đã giúp nhiều người lao động mà kỹ năng kỹ thuật số không đòi hỏi cao trước đại dịch, đã chuyển sang làm việc từ xa hầu như chỉ sau một đêm, chẳng hạn như trong công việc giảng dạy và văn thư (CEDEFOP, 2021).
Số hóa cũng đặt ra những thách thức cho tương lai của nghề nghiệp. Số hóa và tự động hóa tạo ra nhiều loại công việc mới nhưng đồng thời cũng loại bỏ các công việc mang tính thủ công và thường xuyên. Tất cả các ngành và khu vực địa lý sẽ bị ảnh hưởng, với số lượng công nhân ngày càng tăng cần đào tạo lại và nâng cao kỹ năng. LHQ ước tính rằng 9 trong số 10 công việc sẽ yêu cầu các kỹ năng kỹ thuật số trong tương lai (Liên Hợp Quốc, 2018).
Theo nhận định của EC, Năng lực kỹ thuật số đã trở nên quan trọng đối với việc làm. Không chỉ coi vai trò như một kỹ năng chuyển đổi để phát triển khả năng tuyển dụng mà còn bởi vì khoảng 85% tổng số việc làm ở EU cần ít nhất trình độ kỹ năng kỹ thuật số cơ bản. (Developing digital competence for employability: Engaging and supporting stakeholders with the use of DigComp, 2019)
Số liệu thống kê gần đây nhất thu thập các kỹ năng kỹ thuật số ở Châu Âu trong năm 2017 cho thấy rằng 43% dân số EU không có đủ kỹ năng kỹ thuật số (không có kỹ năng hoặc trình độ thấp), 42% trong số đó sẽ thất nghiệp. Hơn nữa, trong cùng năm đó, 10% lực lượng lao động EU không có kỹ năng kỹ thuật số, chủ yếu là do họ không sử dụng Internet và 35% không có ít nhất các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản, vốn hiện được yêu cầu trong hầu hết các công việc.
Hình 3: Thống kê lao động ở Châu Âu bị ảnh hưởng do quá trình số hóa. Nguồn: Digital Agenda Scoreboard 2017.
Vì thế, các kỹ năng kỹ thuật số và kiến thức về kỹ thuật số cần được cải thiện ở tất cả các lĩnh vực, từ thành phố, vùng sâu vùng xa và nông thôn hoặc đến các môi trường di cư. Cải tiến này sẽ cho phép người dân có quyền tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ hiệu quả hơn, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn và các doanh nghiệp sẽ có thể khám phá nhiều cơ hội và thị trường hơn. Do đó, các kỹ năng kỹ thuật số đại diện cho khía cạnh quan trọng của phát triển kinh tế kỹ thuật số ở một quốc gia và tạo cơ hội cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện hơn trong dài hạn.
Khảo sát về Kỹ năng Người lớn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD – The Organisation for Economic Co-operation and Development), được thực hiện ở OECD và các quốc gia được chọn khác, cho thấy 15% người trưởng thành thiếu các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản. Theo báo cáo năm 2018 của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU – International Telecommunication Union) một nửa dân số thế giới vẫn không có quyền truy cập internet. Tỷ lệ này ở hầu hết các nền kinh tế phát triển đã cao hơn 90%, chẳng hạn như Canada (96,5%) và Nhật Bản (91%). Ngược lại, tỷ lệ này tương đối thấp hơn ở các nước đang phát triển như Trung Quốc (70,6%), Indonesia (53,7%) và Thổ Nhĩ Kỳ (77,7%). Hơn nữa, ngay cả ở một số quốc gia có tỷ lệ người dùng internet cao và internet đã đạt đến mức bão hòa, khoảng cách vẫn tồn tại giữa các nhóm khác nhau, chẳng hạn như giữa nam và nữ, những người ở các độ tuổi khác nhau, những người có mức thu nhập hoặc trình độ học vấn khác nhau. và giữa những người sống ở thành thị hay nông thôn (OECD, 2019). Điều này ảnh hưởng đến việc làm trước làn sóng chuyển đổi số, như khảo sát dưới đây của ILO.
Hình 4: ASEAN – Tương lai việc làm trước nguy cơ tự động hóa. Nguồn: Tổ chức lao động quốc tế – ILO.
Do đó, khoảng cách về kỹ năng kỹ thuật số ngày càng lớn và càng trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Điều này là do quá trình số hóa ngày càng nhanh và các công nghệ mới đang phát triển theo chu kỳ ngày càng ngắn hơn. Đòi hỏi sự thay đổi nhanh chóng về công việc và các kỹ năng cần thiết để đáp ứng được những kỹ năng mà doanh nghiệp yêu cầu. Khoảng cách kỹ năng kỹ thuật số cũng bao gồm tình trạng thiếu kỹ năng. Trong khi đó, báo cáo Kỹ năng kỹ thuật số toàn cầu (Digital Skills Global 2021) chỉ ra rằng yếu tố chính khiến khoảng cách kỹ năng kỹ thuật số ngày càng lớn ảnh hưởng đến các lĩnh vực và nền kinh tế khác nhau với những tỷ lệ khác nhau là do người lao động chưa được đào tạo bài bản để lấp đầy các vị trí kỹ thuật số trong các ngành công nghệ đang phát triển.
Trước sự chuyển biến của công nghệ số, đặt ra một thách thức cho ngành in VN, làm thế nào để đào tạo, huấn luyện đội ngũ kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu sự chuyển đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên, có rất nhiều biến số tác động đến ngành, cả về luật pháp, quản lý và sự phát triển của công nghệ. Trong bài tới chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc những vấn đề liên quan đến việc xây dựng khung năng lực số cho ngành in, làm cơ sở để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với môi trường làm việc số trong hiện tại và tương lai.
Hình 5: Kỹ thuật số làm thay đổi cơ cấu nghề nghiệp và công việc
Tham khảo
[1] Developing digital competence for employability: Engaging and supporting stakeholders with the use of DigComp, EC, 2019
[2] A Global Framework of Reference on Digital Literacy Skills for Indic ator 4.4.2, UNESCO, 2018
[3] Digital Skills: Frameworks and Programs, Work Bank, 2020.
[4] G20 Toolkit for Measuring Digital Skills and Digital Literacy, G20, 2022
[5] https://joint-research-centre.ec.europa.eu/digcomp/digcomp framework_en#:~:text=In%20DigComp%2C%20digital%20competence%20involves,and%20for%20participation%20in%20society.
PHẦN 2: KHUNG NĂNG LỰC SỐ CHO NGÀNH IN (II): Những vấn đề liên quan đến khung năng lực số