Prima.vn - Cổng thông tin điện tử ngành in và bao bì Việt Nam
Trang chủ » XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CHO CÁC CÁN BỘ CHỦ CHỐT CỦA NGÀNH IN (Phần 2)

Chia sẻ

TIN TỨC

XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CHO CÁC CÁN BỘ CHỦ CHỐT CỦA NGÀNH IN (Phần 2)

XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CHO CÁC CÁN BỘ CHỦ CHỐT CỦA NGÀNH IN (Phần 2)

4. Các yếu tố cần xem xét khi xây dựng khung năng lực số cho cán bộ chủ chốt ngành In.

Để có thể phát triển năng lực số cho cán bộ của một ngành cần phải đặt nó vào khung năng lực số phù hợp. Cho đến nay chưa có nghiên cứu riêng cho đặc thù của doanh nghiệp in nên chúng tôi đã xem xét các nghiên cứu chung và lưu ý cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số như sau:

4.1 Khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng để hỗ trợ phát triển năng lực số trong doanh nghiệp

Nghiên cứu này lập luận rằng cơ sở hạ tầng rất quan trọng cho việc phát triển ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp. Về vấn đề này, Somekh chỉ ra rằng “cơ cấu tổ chức tại đơn vị thường cản trở việc khám phá và áp dụng các công cụ CNTT” và hệ thống hiện tại “có thể được hiểu là cơ sở hạ tầng lạc hậu chống lại sự thay đổi tất yếu”. Các nhà nghiên cứu khác cũng đi đến kết luận tương tự khi ủng hộ sự thay đổi về cơ cấu tổ chức và văn hóa nhằm đem lại sự hỗ trợ bền vững và đồng bộ của toàn hệ thống để phát triển năng lực số (Newland & Handley, 2016; Vanderlinde & Van Braak.Johan, 2011).

4.2 Xem xét năng lực số như là một đặc điểm cụ thể trong doanh nghiệp

Nghiên cứu các chỉ số nhằm phát hiện các dấu hiệu nhận biết một “doanh nghiệp có năng lực số”.  Đây là những năng lực hay quy trình tổ chức mà các doah nghiệp cần phải thực hiện để được xem là có năng lực số. Geir Ottestad chỉ ra bốn dấu hiệu nhận biết đó là: phát triển năng lực số cho nhân viên, xây dựng nền văn hóa tạo điều kiện chia sẻ kiến thức trong doanh nghiệp, lập các kế hoạch và chiến lược lấy công nghệ thông tin làm trọng tâm, và đầu tư có chiến lược vào nguồn lực và các biện pháp hỗ trợ. Vanderlinde & Van Braak.Johan, 2011) lại nhấn mạnh vào công suất số (e-capacity) của doanh nghiệp. Nhóm tác giả mô tả công suất số là khả năng hay “năng lực tập thể của doanh nghiệp trong việc sử dụng CNTT như đòn bẩy cho sự thay đổi trong hoạt động” Trong nghiên cứu này, mối quan tâm chính được xác định để đưa vào mô hình công suất số bao gồm các khía cạnh sau: lãnh đạo công ty, mục tiêu và tầm nhìn, hoạch định chính sách, ra quyết định, cơ sở hạ tầng công nghệ, phối hợp và hỗ trợ kỹ thuật, mối quan hệ đồng nghiệp, phát triển chuyên môn, năng lực số của nhân viên, và cuối cùng, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất -kinh doanh- phát triển. Theo đó, mô hình này biểu thị những gì mà tổ chức doanh nghiệp  có thể đạt được bằng cách thực hiện, tạo dựng và chia sẻ các nguồn lực khác nhau, cũng như những gì buộc phải trải qua để đạt được công suất số và có năng lực về mặt tổ chức.

4.3 Văn hóa doanh nghiệp khuyến khích chuyển đổi số

Các nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp phải phát triển văn hóa số nhằm khuyến khích nhân viên và lãnh đạo tìm tòi các phát kiến mới thông qua phát triển chuyên môn về năng lực số.

4.4 Năng lực số của các lãnh đạo thường là trở ngại chính

Khi chuyển đổi chính sách số nhằm phát triển chuyên môn trên toàn hệ thống và thay đổi thì năng lực của lãnh đạo thường là một trở ngại, đặc biệt khi lãnh đạo công ty phải tiếp xúc với nhu cầu ngày càng tăng khi công nghệ số được tích hợp vào công việc hàng ngày của doanh nghiệp. Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng để hành động trong doanh nghiệp số hóa, lãnh đạo phải nhận ra triển vọng và hạn chế của công nghệ và phải có năng lực công nghệ với cương vị là nhà lãnh đạo CNTT. Với lý luận tương tự, (Dexter, 2008; Petersen, 2014) nhận thấy rằng nên phát triển năng lực số trong ứng dụng công nghệ số lẫn năng lực số trong tổ chức cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho công việc hàng ngày trong các doanh nghiệp số hoá.

4.5 Tầm quan trọng của các lãnh đạo và sự thay đổi thái độ của họ đối với công nghệ số.

Lãnh đạo doanh nghiệp cần tham gia nhiều hơn vào quá trình tích hợp công nghệ số diễn ra hằng ngày và phát triển chuyên môn năng lực số. Van Niekerk & Blignaut, (2014) lập luận rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp “không thể cứ khoanh tay đứng nhìn, mặc định rằng nhân viên của mình đã thông thạo CNTT rồi” mà phải thiết lập và thực hiện các mục tiêu và chiến lược hỗ trợ phát triển chuyên môn cho cả nhân viên lẫn bản thân họ. Các nhà nghiên cứu khác đưa ra rằng lãnh đạo doanh nghiệp phải nhận thức được các nhu cầu cụ thể trong môi trường sản xuất -kinh doanh và tạo điều kiện cho nhân viên của mình tham gia vào các hoạt động phát triển chuyên môn trong công việc hằng ngày (Krumsvik, 2008).

Nhìn chung, năng lực số liên quan đến cơ sở hạ tầng tổ chức, các chính sách về năng lực số có thể hữu ích ở mức độ chung, các mục tiêu và tầm nhìn thích hợp tốt nhất nên cô đọng lại thành các biện pháp hỗ trợ cụ thể (Dexter, 2008; Petersen, 2014; Wastiau et al., 2013). Một khía cạnh thú vị để nghiên cứu trong tương lai về chuyển đổi số trong doanh nghiệp là vì sao không cần phải xét năng lực số ở từng nhân tố tham gia mà nên xem nó như một đặc tính cấp doanh nghiệp (nghĩa là doanh nghiệp có năng lực số). Để tạo điều kiện tích hợp công nghệ và thay đổi, doanh nghiệp sẽ trở nên có năng lực số bằng cách cấu trúc và tổ chức cũng như huy động được nguồn lực và cơ sở hạ tầng cấp cơ sở. Điều này có nghĩa là khả năng toàn bộ tổ chức của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cho sự thay đổi số.

Mặt khác, một tình huống khó xử đối với các doanh nghiệp khi chuyển đổi số là sự hiểu biết chưa đầy đủ về kết hợp chính sách với cơ sở hạ tầng, khả năng hiểu biết của lãnh đạo, khả năng lãnh đạo hiệu quả khi khiếm khuyết năng lực số và phát triển các biện pháp hỗ trợ cụ thể. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải có các chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, đây là những người có trình độ, tầm nhìn, kinh nghiệm quản lý sản xuất và đào tạo. Các chuyên gia cần cung cấp thông tin và thảo luận với các vị lãnh đạo doanh nghiệp cách để phát triển năng lực số cho cán bộ chủ chốt trong bối cảnh phát triển của ngành In hiện nay.

 

5. Đề xuất xây dựng khung năng lực số cho cán bộ chủ chốt ngành In

Qua nghiên cứu nhiều khung năng lực số, chúng tôi thấy rằng có hai khung năng lực phù hợp với ngành In xét ở nhiều góc độ khác nhau:

Tổng hợp khung năng lực số của Uỷ ban Châu Âu và Unesco, ta có thể thấy cuối thế kỷ XX, các quốc gia châu Âu tập trung nghiên cứu về giảng dạy và đánh giá năng lực thông qua dự án “Định nghĩa và lựa chọn các năng lực (Definition and Selection of Competencies-DeSeCo)”. Dưới góc nhìn của giáo dục, (DeSeCo, 2002) đã xác định khung năng lực như một hệ thống các cấu trúc tinh thần bên trong và khả năng huy động các kiến thức, kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành và thái độ, cảm xúc, giá trị, đạo đức, động lực của một người để thực hiện thành công các hoạt động trong một bối cảnh cụ thể. DeSeCo nhấn mạnh, mặc dù kiến thức và kỹ năng nhận thức là những yếu tố quan trọng, nhưng cần chú ý đến các thành phần khác như động lực, giá trị cá nhân và đạo đức xã hội. Năng lực thực sự trở thành tiêu điểm nghiên cứu ở giai đoạn này khi nó được xem là đích đến trong phát triển giáo dục, hướng nghiệp cho con người trong bối cảnh xã hội mới.

Về thực tiễn, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến các hướng dẫn của Bộ TTTT để xây dựng khung năng lực dựa trên chỉ số chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hình 2. Cấu trúc Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa

– Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa được cấu trúc theo 06 trụ cột (pillar) là: (1) Trải nghiệm số cho khách hàng, (2) Chiến lược, (3) Hạ tầng và công nghệ số, (4) Vận hành, (5) Chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp và (6) Dữ liệu và tài sản thông tin.

– Trong mỗi trụ cột có các chỉ số thành phần, trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí (10 chỉ số thành phần và 60 tiêu chí). Sơ đồ cấu trúc chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa được mô tả như Hình 2.

Từ chỉ số đánh giá này và các yêu cầu của nó, kết hợp với khung lý thuyết của uỷ ban Châu Âu và Unesco, ngành In chúng ta có thể xây dựng khung năng lực và chương trình đào tạo phát triển năng lực số phù hợp.

5.2 Đề xuất khung năng lực số cho ngành In

Dựa trên các khung năng lực số đã nghiên cứu, chúng tôi đề xuất mô hình khung năng lực số cho ngành In gồm 8 nhóm năng lực (bảng 2)

STT Nhóm năng lực Mô tả năng lực
1 Vận hành thiết bị và phần mềm Nhận biết, lựa chọn và sử dụng các thiết bị phần cứng và ứng dụng phần mềm để phục vụ quá trình sản xuất In, đặc biệt các lưu đồ sản xuất in và quản trị màu. Có khả năng khai thác hiệu quả các thiết bị và các phần mềm hỗ trợ công việc hàng ngày.
2 Khai thác thông tin và dữ liệu Nhận diện được nhu cầu thông tin của cá nhân và doanh nghiệp; triển khai các chiến lược khai thác thông tin để xây dựng kế hoạch, tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp thiết bị và nguyên vật liệu. Sử dụng hiệu quả thông tin nội bộ để xây dựng các mô hình phục vụ cho quá trình sản xuất – kinh doanh. Có khả năng làm việc độc lập trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
3 Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số Tương tác và giao tiếp thông qua công nghệ số và thực hành vai trò công dân số. Sử dụng công cụ và công nghệ số để hợp tác thông qua cách thức liên lạc trực tuyến để hội họp, thảo luận và đàm phán với các đối tác trong và ngoài nước.
4 An toàn và an sinh số Bảo vệ các thiết bị, nội dung, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số. Nhận thức về ảnh hưởng của công nghệ số và việc sử dụng chúng đối với môi trường. Hiểu biết luật An ninh mạng và Luật xuất bản. Hiểu rõ về hệ thống giấy phép và bản quyền liên quan đến quá trình sáng tạo nội dung số. Sử dụng thông tin phù hợp với đạo đức và pháp luật.
5 Sáng tạo nội dung số Tạo lập và biên tập nội dung số. Chuyển đổi, kết hợp thông tin và nội dung số vào vốn tri thức sẵn có. Có khả năng hỗ trợ đồng nghiệp và nhân viên trình bày các ý tưởng một cách sáng tạo trong môi trường số.
6 Học tập và phát triển kỹ năng số Nhận diện được các cơ hội và thách thức trong môi trường học tập trực tuyến. Hiểu được nhu cầu và sở thích cá nhân với tư cách là người học tập trong môi trường số. Ý thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời đối với sự phát triển cá nhân.
7 Sử dụng năng lực số cho Ngành In Vận hành các công nghệ số trong các bối cảnh đặc thù của ngành in. Hiểu, phân tích và đánh giá dữ liệu, thông tin và nội dung số đặc thù trong hoạt động in. Có khả năng hỗ trợ việc thực hành đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong môi trường số.
8 Chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp Có khả năng nắm bắt các đặc điểm của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, có khả năng vận động, tham gia hướng dẫn đồng nghiệp các kỹ năng số, từng bước lên kế hoạch hay tham gia xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Bảng 2: Đề xuất khung năng lực số cho lực lượng cán bộ chủ chốt của ngành In.

6. Kết luận

Muốn chuyển đổi số thành công, bên cạnh các chuyên gia đủ hiểu biết, kinh nghiệm và năng lực, các nhà In cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ chủ chốt có năng lực số phù hợp. Khung năng lực số được xây dựng làm cơ sở nền tảng để phát triển các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ.

Khung năng lực số cầnđược cung cấp rộng rãi cho tất cả các tổ chức, các đơn vị đào tạo khác làm tài liệu tham khảo phát triển chương trình năng lực số cho từng đối tượng cụ thể.

Để phát triển năng lực số, cần phải xây dựng kế hoạch chiến lược ở cả cấp độ vĩ mô và vi mô. Ở cấp độ vĩ mô, bộ TTTT với tư cách bộ quản lý ngành In cần xây dựng một trung tâm hỗ trợ quy tập được các chuyên gia đủ năng lực để nghiên cứu đưa ra khung năng lực số phù hợp với ngành và định hướng phát triển ngành In. Trong khi còn nhiều đơn vị chưa sẵn sàng thì Bộ nên chọn những đơn vị đã có kinh nghiệm tham gia cùng bộ trong công tác này. Từ khung năng lực số này các đơn vị đào tạo và các doanh nghiệp sẽ xây đựng các kế hoạch đào tạo phù hợp với sự hỗ trợ của các chuyên gia. Về lâu dài cần xây dựng trung tâm quốc gia về đánh giá năng lực cho ngành In, trong đó chú trọng đến năng lực số. Cơ quan chủ quản cũng cần đi đầutrong công tác chuyển đổi số khi đưa việc rèn luyện kiến thức, kỹ năng cũng như đánh giá của ngành In trên môi trường trực tuyến.

Tất cả những tìm hiểu tổng quan ở trên cho thấy còn một chặng đường dài phía trước liên quan đến sự thống nhất về các thành tố tạo nên khung năng lực số của ngành in và cách thức tổ chức thực hiện. Do đó, công việc cần được thực hiện là thống nhất và làm rõ các thành tố của khung năng lực, từ đó tạo ra chiến lược phát triển năng lực số phù hợp cho ngành. Điều này rõ ràng là cần thiết cho tương lai của ngành, đặc biệt khi nguồn lực đã và đang được đào tạo hiện nay chưa đạt được trình độ năng lực số cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

  1. Hoàng Phê. (1998). Từ điển tiếng Việt (trang 322). Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
  2. Nguyễn Lộc, N. T. L. P. (2016). Phương pháp, kĩ thuật xây dựng chuẩn đánh giá năng lực giải quyết vấn đề (Chuyên khảo). Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
  3. Nguyen, T. D., & Pascal, M. (2018). Năng lực công nghệ số đáp ứng nhu cầu xã hội: các mô hình quốc tế và hướng tiếp cận ở Việt Nam.
  4. Nguyen, T. D., & Pascal, M. (2019). Năng lực công nghệ số của sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội: Nghiên cứu mô hình ứng dụng sơ khởi tại Việt Nam.

Tài liệu tiếng Anh

  1. Alliance for Excellent Education. (n.d.). Digital Learning Day.
  2. Vuorikari, R., Punie, Y., Carretero, S., & Van Den Brande, L. (2016). DigComp 2.0: The Digital Competence Framework for Citizens. Update Phase 1: The Conceptual Reference Model. In EU Commission JRC Technical Reports (pp. 1–40). https://doi.org/10.2791/11517
  3. https://digitallearningday.org/about-dlday/

 

PGS.TS. Ngô Anh Tuấn – Chủ tịch Hội In TP. Hồ Chí Minh

XEM LẠI PHẦN 1

391 bình luận

Bình luận