CÁC BƯỚC PHÂN TÍCH NGHỀ VÀ NĂNG LỰC HÀNH NGHỀ ĐỂ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CÔNG NHÂN KỸ THUẬT IN THEO MÔ HÌNH TÍCH HỢP TẠI DOANH NGHIỆP CỦA HỌC VIỆN PRINTMEDIA VIỆT NAM
Theo quan điểm của học viện PrintMedia Việt nam, việc đánh giá năng lực của 1 người thợ chính là đánh giá (1) khả năng hiểu biết chuyên môn ngành in và (2) kỹ năng thực hành theo mức độ công nghệ-sản phẩm và (3) theo điều kiện của từng doanh nghiệp. Trên thực tế có sự khác biệt lớn về trình độ công nghệ, trang thiết bị, tay nghề người thợ giữa các công ty và các địa phương. Cơ cấu sản phẩm ở mỗi cơ sở in cũng không đồng đều nhau, điều đó cũng dẫn đến hệ quả là có sự phân hóa về tay nghề thực tế giữa những người thợ cùng bậc với nhau. Vì thế học viện PrintMedia Việt nam đã đưa ra mô hình đào tạo tích hợp dựa trên năng lực và điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp. Theo đó, tại mỗi doanh nghiệp, sau khi khảo sát và làm việc với bộ phận nhân sự – đào tạo-kỹ thuật, học viện sẽ xây dựng chương trình, sau đó dựa trên các tiêu chuẩn định lượng để đào tạo và đánh giá năng lực hành nghề của người thợ một cách khách quan nhất. Đây là một công việc nhiều khó khăn và còn nhiều vấn đề cần thảo luận.
Học viện PrintMedia sẽ đề xuất các tiêu chuẩn kỹ năng thực hành đang được áp dụng trong hình thức đào tạo tích hợp, trong đó nhà In tự đào tạo một phần theo hướng dẫn của Học viện và Học viện sẽ đảm nhận phần còn lại theo yêu cầu của doanh nghiệp. Cách làm này vừa thực tế, vừa phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp đồng thời giúp doanh ngiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí, chúng tôi rất mong sự đóng góp ý kiến của bạn đọc.
Các nguyên tắc của việc xây dựng kỹ năng thực hành
Trong mỗi một nghề cần xác định ranh giới nghề bao gồm một tập hợp các nhiệm vụ và chức năng cơ bản trọn vẹn của nghề. Các chức năng, nhiệm vụ cơ bản được hiểu như những phần việc trọn vẹn của nghề, có bắt đầu và có kết thúc rõ ràng, có thể mô tả và thể hiện bằng vị trí công việc, sản phẩm làm ra. Tuỳ theo tính chất công việc, nội dung quy trình công nghệ của nghề, các vị trí đảm nhận trên dây chuyền sản xuất mà quá trình phân tích nghề phải xác định được danh mục các công việc theo trình tự lôgic của nghề. Theo đó việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng bậc thợ in offset tờ rời tuân theo các quy tắc sau:
- Xác định tính logic của quy trình sản xuất
- Phân tích nghề dựa theo logic quy trình sản xuất
- Xây dựng chuẩn kỹ năng tương ứng với mỗi bậc thợ
1. Xác định tính logic của quy trình in
Mục đích của ngành In là phục chế, trong dây chuyền phục chế này, từ một bài mẫu, qua các công đoạn khác nhau được chia thành ba công: trước in, In và Sau in để phục chế sản phẩm đúng yêu cầu. Trong mỗi công đoạn có những yêu cầu công nghệ khác nhau và mang những đặc trưng khác nhau, In chỉ là một công đoạn trong dây chuyền phục chế. Mô tả quy trình này theo sơ đồ dưới đây.
Sơ đồ 1: Vị trí của công đoạn in trong dây chuyền phục chế.
Như mô tả trong sơ đồ quy trình sản xuất in, bài mẫu cần phục chế cung cấp thông tin và các yêu cầu của sản phẩm. Công đoạn trước in thực hiện các công việc thiết kế mẫu mã, nhập dữ liệu, xử lý hình ảnh và vẽ các hình đồ họa. Sau khi có nguồn dữ liệu này, toàn bộ nội dung được dàn lên các vị trí khác nhau của trang ấn phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Khi đã hoàn tất các trang in, nhiều trang in được đưa lên khung in, bố trí theo hình thức hoàn thiện sản phẩm, đây là công đoạn bình trang. Từ đây, dữ liệu được chuyển đổi thành các định dạng phù hợp với công nghệ (thường dùng định dạng PDF) đưa qua RIP và xuất ra phim hay ghi trực tiếp lên bản in. Công đoạn trước in hoàn tất ở đây, bản in được đưa vào máy in để sản xuất.
Tại công đoạn In, bản in được gắn lên máy in, mỗi bản In được gắn trên một đơn vị in với một màu in nhất định. Một sản phẩm in thông thường có 4 màu in cơ bản, nhưng cũng có sản phẩm in yêu cầu nhiều màu in hơn. Để in nhiều hơn 4 màu, có thể dung máy in nhiều màu (5, 6 hoặc 8 màu) hoặc cũng có thể in trên máy in 4 màu nhưng phải qua hai lần in để đạt được số màu in cần thiết. Để thực hiện công đoạn in, người thợ in phải trải qua các công việc như chuẩn bị máy in, thiết lập các thông số phù hợp với vật liệu in và sản phẩm in, canh chỉnh chồng màu, canh chỉnh màu sắc đúng với yêu cầu và tiến hành in sản lượng. Trong giai đoạn này, người thợ phải lưôn kiểm tra, so sánh sản phẩm với mẫu để tránh sai sót, đây là công việc quan trọng và đòi hỏi phải tuân thủ các yêu cầu của sản phẩm. Sau khi in hết số lượng, công việc tiếp theo là vệ sinh thiết bị, chuẩn bị cho sản phẩm in kế tiếp.
Sơ đồ 2: Sơ đồ khối các nghề trong ngành in, nghề in offset tờ rời là một trong nhiều nghề của công đoạn In
Như mô tả trong sơ đồ 2 Với sản xuất công nghiệp, có nhiều kỹ thuật in như in Lưới, in Flexo, in Lõm (in ống đồng), in Offset có hai nghề là in offset cuộn và in offset tờ rời. Như đã trình bày ở trên, đa số hiện nay nhân lực ngành in phục vụ trong lĩnh vực in offset tờ rời, cung cấp các sản phẩm bao bì, nhãn hàng, các ấn phẩm sách báo, brochure, cataloge…
Theo khảo sát các chương trình đào tạo của các trường đào tạo nghề In trong cả nước, tham khảo các chương trình đào tạo của Hoa Kỳ và Châu Âu, căn cứ vào điều kiện làm việc thực tế tại các cơ sở In, học viện PrintMedia Việt Nam tiến hành phân chia nhiệm vụ của nghề in Offset tờ rời (IOTR) thành các công việc cơ bản của nghề. Mỗi một công việc cơ bản này là một nội dung học nghề mà mỗi người học muốn trở thành thợ in tờ rời đều phải thực hành nó. Các công việc cơ bản này lại do nhiều bước công việc, thao tác nghề cơ bản kết hợp thành.
Trong nghề IOTR thì các công việc cơ bản của nghề chính là môi trường làm việc, trang thiết bị, công cụ, vật liệu, sản xuất sản phẩm, qua đó người thợ thực hiện các động tác, các kỹ năng, kỹ xảo cần thiết của nghề nghiệp chuyên môn. Căn cứ trên logic của quy trình sản xuất in, tác giả phân tích nhiệm vụ của nghề IOTR thành ba khối nghề như sau:
- Chuẩn bị máy in
- Vận hành – In sản lượng
- Vệ sinh và bảo dưỡng thiết bị
Mỗi khối nghề được phân chia ra thành nhiều công việc theo logic của quy trình vận hành thiết bị in, quy trình sản xuất để in ra sản phẩm. Ngoài ra để hành nghề IORT người thợ in còn phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về an toàn lao động. Bên cạnh đó là kiến thức nền tảng của nghề như kiến thức về vật liệu như giấy in, mực in, những kiến thức về màu sắc, kỹ năng sử dụng máy đo.
An toàn lao động là yêu cầu bắt buộc trong sản xuất công nghiệp, thực hiện an toàn lao động trong sản xuất, phòng chống cháy nổ, thực hiện đúng các quy trình quy định, bảo vệ trước sự ảnh hưởng của hoá chất là trọng tâm của việc bảo đảm kỹ năng nghề nghiệp. Vì thế các quy định về an toàn lao động phải là kiến thức và kỹ năng của mọi người lao động, bất kể đang làm việc ở cấp bậc nào. Mặt khác, trong nghề in, các kiến thức về tính chất và kỹ năng sử dụng vật liệu đúng yêu cầu, phù hợp với công việc đặt ra rất cao, có ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối cùng. Vì vậy trong các chương trình đào tạo cũng như đánh giá kỹ năng nghề không thể thiếu hai yếu tố này.
Trong việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, hai yếu tố trên được xếp vào khối kiến thực và kỹ năng chung, áp dụng cho tất cả các bậc thợ. Riêng đối với mảng vật liệu (mực và giấy) được phân chia theo trình độ bậc thợ, điều này phù hợp với các chương trình đào tạo và sản xuất tại các nhà in hiện nay. Sơ đồ khối nghề và phân công công việc trong mỗi khối mô tả ở dưới đây.
Sơ đồ 3: mô tả khối nghề và những công việc trong các khối nghề in offset tờ rời
2. Phân tích nghề in offset tờ rời theo tiến trình sản xuất
Tiến trình phân tích nghề được thực hiện theo từng nhiệm vụ như mô tả trên sơ đồ, trong mỗi phần nhiệm vụ có nhiều công việc khác nhau. Mỗi phần phân tích nhiệm vụ chúng tôi đưa ra ba phần chính, bao gồm, mô tả các công việc cần làm trong nhiệm vụ, đây cũng có thể xem là hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ. Phần thứ hai đề cập đến đặc điểm của nhiệm vụ, tác động của nó đến quy trình sản xuất cũng như vị trí của nó trong hoạt động nghề nghiệp và phần cuối là các kiến thức mà người thợ in muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ này cần phải có, để có thể thực hiện nhiệm vụ một cách trọn vẹn và nhìn thấy mối liên hệ của nhiệm vụ đó với các nhiệm vụ khác trong dây chuyền sản xuất nói chung.
2.1. Phân tích các nhiệm vụ trong khối chuẩn bị máy in
2.1.1. Phân tích nhiệm vụ đọc lệnh sản xuất
Mô tả. Bao gồm các công việc:
-
- Xác định tên ấn phẩm
- Xác định loại giấy in, khổ giấy, số lượng
- Xác định loại mực sử dụng
- Nhận bản in đúng với tên ấn phẩm
- Kiểm tra bản in
- Xác nhận phương thức in (kiểu trở, chừa khoảng trắng…)
- Lưu ý các chỉ dẫn cho ấn phẩm và các công đoạn gia công tiếp theo
Đặc điểm. Trước khi in một sản phẩm, cần phải nắm rõ thông tin về sản phẩm đó, tránh sử dụng sai bản in, sai loại vật tư, các chỉ dẫn cho sản phẩm rất quan trọng vì liên quan nhiều đến việc canh chỉnh màu sắc cho sản phẩm, chuẩn bị máy in phù hợp, những lưu ý này cũng tránh những sự cố có thể xảy ra trong quá trình sản xuất công đoạn sau in. Nhiệm vụ này cũng giúp cho người thợ tập kết vật tư, bản in để tiến hành công việc nhanh chóng.
Kiến thức cần thiết. Để hoàn thành nhiệm vụ này, người thợ IOTR cần có kiến thức sau: Phân biệt được đặc tính của các loại giấy in, hướng thớ giấy, màu sắc của giấy, định lượng, gia công thành phẩm, tráng phủ, Xác định ảnh hưởng của độ ẩm, nhiệt độ lên vật liệu, điều kiện môi trường cần thiết lưu trữ vật liệu.
2.1.2. Phân tích nhiệm vụ canh chỉnh hệ thống nhận giấy in
Mô tả. Gồm có các công việc sau
-
- Canh chỉnh một số bộ phận sau đây để vận hành hiệu quả
- Đầu hút giấy
- Các thanh định vị chồng giấy
- Các thanh chặn đuôi chồng giấy.
- Bàn chứa giấy
- Vỗ giấy, Khi chất giấy lên bàn chứa, phải đảm bảo chồng giấy thật vuông góc và cân bằng
- Điều chỉnh hệ thống các vòi hút đúng với khổ giấy in
- Kiểm tra hệ thống cấp giấy để đảm bảo giấy tới đơn vị in ổn định
- Điều chỉnh bộ phận tách tờ, bộ phận phát hiện đúp tờ phù hợp với độ dày và định lượng giấy.
- Kiểm tra hoạt động của hệ thống cấp giấy để chắc chắn giấy được vận chuyển ổn định tới đơn vị in.
Đặc điểm. Công việc này rất quan trọng, đưa giấy vào phải đảm bảo cho chồng giấy in ngay ngắn, vỗ giấy để tăng hiệu quả tách tờ, tránh hiện tượng hút hai tờ làm ngừng máy in. Việc kiểm tra sau khi hoàn thành việc canh chỉnh là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo giấy được cung cấp ổn định khi in.
Kiến thức cần thiết. Nguyên lý làm việc của hệ thống tách tờ, cấu trúc của hệ thống cấp giấy tờ rời, đặc điểm của loại vật liệu đang dùng, luôn phải đọc hướng dẫn vận hành và thiết bị của nhà sản xuất.
2.1.3. Phân tích nhiệm vụ canh chỉnh hệ thống định vị cấp giấy
Mô tả. Gồm có các công việc sau
-
- Điều chỉnh các phần cơ bản của hệ thống cấp giấy vào đơn vị in bao gồm
- Hệ thống nạp trực tiếp
- Nhíp trao
- Hệ thống trống xoay
- Hệ thống kiểm soát lố giấy, méo giấy
- Canh chỉnh một số bộ phận của hệ thống định vị sau đây:
- Tay kê đầu
- Tay kê hông
- Bộ phận phát hiện giấy đúp
- Bánh xe, dây băng vận chuyển
- Thanh thép đè giấy, tấm hút giấy bằng chân không
- Các bộ phận gắn kèm phụ trợ.
- Chạy thử để kiểm tra hoạt động của hệ thống nạp để chắc chắn các bộ phận được canh chỉnh đúng.
- Điều chỉnh các phần cơ bản của hệ thống cấp giấy vào đơn vị in bao gồm
Đặc điểm. Hệ thống dẫn giấy từ hệ thống tách tờ đến đơn vị in, trước khi vào đơn vị in, giấy phải được định vị ngay ngắn bằng tay kê đầu và tay kê hông. Giấy được dẫn bằng hệ thống dây băng và bánh xe, cần phải giữ áp lực hơi hút, lực ép bánh xe đều nhau để giấy di chuyển ổn định. Các hệ thống phụ trợ nhằm giũ tờ giấy phẳng, không bị quăn góc, vướng vào các bộ phận khác khi di chuyển. Luôn phải đảm bảo hoạt động của tay kê ổn định.
Kiến thức cần thiết. Để hoàn thành nhiệm vụ này, người thợ IOTR cần có kiến thức sau: Nguyên lý làm việc của hệ thống vận chuyển và định vị tờ in, nguyên lý dẫn truyền vật liệu, tính chất của vật liệu. Cấu trúc hệ thống, các chỉ dẫn về vận hành của nhà sản xuất thiết bị. Nội quy và những quy định về vận hành máy.
2.1.4. Phân tích nhiệm vụ Canh chỉnh hệ thống dẫn truyền vật liệu
Mô tả. Gồm có các công việc sau
-
- Xác định các nguyên lý truyền giấy và đặc tính của chúng bao gồm:
- Truyền bằng xích dẫn
- Ống truyền đơn
- Ống truyền 3 (gấp 3 lần đường kính ống bản)
- Ống truyền có đảo trở
- Ống chuyển đổi (đảo trở)
- Lòng máng có đệm khí thổi.
- Lưới đỡ tờ in lắp hở.
- Cao su bề mặt nhám
- Canh chỉnh bộ phận truyền tờ in phù hợp với khổ giấy
- Canh chỉnh bộ phận kiểm soát quá trình vận chuyển giấy để tránh gây trầy xước bề mặt tờ in.
- Đảm bảo chức năng kiểm soát tờ in bằng cơ khí và điện tử hoạt động tốt.
- Kiểm tra vật liệu khi sau khi đã chạy thử qua máy để đảm bảo vật liệu được vận chuyển thông suốt tới bàn nhận giấy.
- Xác định các nguyên lý truyền giấy và đặc tính của chúng bao gồm:
Đặc điểm. Hệ thống dẫn truyền vật liệu ảnh hưởng rất lớn đến tính ổn định của sản phẩm in (chồng màu chính xác, đúp nét…), với các hệ thống đảo trở cần phải canh chỉnh chính xác để không làm kẹt giấy trong quá trình in. Đối với sản phẩm có độ che phủ mực bề mặt lớn cần có hệ thống đệm khí chông trầy xước. Mỗi kết cấu của hệ thống dẫn truyền vật liệu sẽ có những yêu cầu canh chỉnh phù hợp.
Kiến thức cần thiết. Để hoàn thành nhiệm vụ này, người thợ IOTR cần có kiến thức sau: Nguyên lý dẫn truyền vật liệu tờ rời, đặc điểm, hoạt động của hệ thống đảo trở tờ in, nguyên lý hoạt động của bộ phận kiểm soát đường đi của giấy. Chạy thử để kiểm tra tính ổn định và tinh chỉnh khi cần thiết.
2.1.5. Phân tích nhiệm vụ canh chỉnh và vận hành hệ thống nhận giấy ra.
Mô tả. Gồm có các công việc sau
-
- Xác định các bộ phận chính của hệ thống nhận giấy thông dụng và tính năng của chúng:
- Các chặn giấy phía trước (đầu nhíp)
- Các quạt thổi đè giấy
- Bộ phận xử lý giấy bị cong
- Bộ phận sấy hồng ngoại
- Bộ phận phun bột
- Dao cắt bằng khí nén
- Các bánh xe hút giấy/giảm tốc tờ in (hút đuôi)
- Bộ phận vỗ đuôi
- Bộ phận khử tĩnh điện
- Xác định đặc điểm của cả máng hứng và hệ thống vận chuyển bằng guồng xích vô tận
- Phát hiện và xử lý những lỗi phát sinh trong lúc làm việc với hệ thống nhận giấy.
- Tăng lượng bột phun chống dính
- Giấy bị dính lại do mực ướt và giấy bị dính thành chồng
- Lực hút tĩnh điện
- Giấy vỗ không ngay ngắn
- Kiểm tra đảm bảo hoạt động bộ phận phun bột trong quá trình máy chạy, điều chỉnh lượng bột phun nếu cần thiết.
- Xếp các tờ in thành từng chồng riêng biệt nếu cần thiết
- Xác định các bộ phận chính của hệ thống nhận giấy thông dụng và tính năng của chúng:
Đặc điểm. Hệ thống nhận giấy ra phải đảm bảo khi tờ in đi ra khỏi máy in phải không bị trầy xước, cong, gấp mép, các tờ in phải được xếp thành chồng ngay ngắn và không dính lem giữa các tờ. Hệ thống nhận giấy ra được tích hợp thêm bộ phận sấy đa năng trợ giúp cho việc làm khô tờ in. Giấy in đi ra bàn nhận giấy với tốc độ rất cao, để xếp các tờ in thành chồng ngay ngắn cần điều chỉnh hơi hút của bánh xe giảm tốc phù hợp với định lượng của tờ in.
Kiến thức cần thiết. Để hoàn thành nhiệm vụ này, người thợ IOTR cần có kiến thức sau: Cấu tạo, đặc điểm, hoạt động của hệ thống nhận tờ in, nguyên lý hoạt động của hệ thống sấy UV, IR, hệ thống phun bột. Đặc tính của giấy mực ảnh hưởng đến phương thức khô của mực, để điều chỉnh lượng bột phun, nhiệt độ sấy thích hợp.
2.1.6. Phân tích nhiệm vụ chuẩn bị ống bản và ống cao su để in
Mô tả, bao gồm các công việc:
-
- Đưa ống bản về vị trí zero theo đặc tính của máy
- Xác định mối liên hệ giữa áp lực gờ ống và chiều cao bọc ống.
- Chỉnh khe hở giữa ống ép và ống cao su (điều chỉnh áp lực in)
- Lựa chọn độ dày bọc ống phù hợp dựa trên mối liên hệ giữa độ cao gờ ống và độ dày bọc ống bản, ống cao su
Đặc điểm, Chất lượng in, thời gian canh chỉnh chồng màu phụ thuộc vào yếu tố chuẩn bị này, điều chỉnh khe hở ống ép và ống cao su phù hợp với độ dày giấy, chính là điều chỉnh áp lực ép in lên vật liệu. Đưa ống bản về vị trí chuẩn để tất cà các đơn vị in bắt đầu với điểm định vị như nhau.
Kiến thức cần thiết, Người thợ IOTR cần phải có kiến thức về cấu trúc và hoạt động của ống bản, ống cao su và ống ép in, để hiểu rõ yêu cầu của việc truyền mực trong in Offset. Việc canh chỉnh và thiết lập thông số phải phù hợp với đặc tính máy in và hướng dẫn của nhà sản xuất.
2.1.7. Phân tích nhiệm vụ lắp bản In
Mô tả. Gồm có các công việc sau
- Chuẩn bị bản in offset để lắp
- Bẻ mép bản.
- So sánh nội dung trên tờ in mẫu với Bản in.
- Xác định thứ tự lắp bản (thứ tự màu in)
- Xác định mối liên hệ giữa áp lực gờ ống và chiều cao bọc ống
- Tiến hành điều chỉnh cho phù hợp
- Lực căng bản
- Vi trí bản theo chiều trục ống
- Vị trí bản theo chiều chu vi
- Vị trí nẹp Bản in
- Thực hiện canh chỉnh để kiểm soát điều kiện in ảnh hưởng đến chiều dài in (nhiệt độ, giấy bị cong, độ ẩm, bản bị cong…).
Đặc điểm. Bản in phải được định vị chính xác để chồng màu in nhanh chóng, khi lắp bản in lên máy in cần phải bọc lót ống bản với độ dày đúng với quy định của để đảm bảo áp lực in chính xác, chất lượng in phụ thuộc rất nhiều ở yếu tố này. Lực căng của bản phải đảm bảo cho bản ôm trọn vào thân ống, nhưng không được quá căng sẽ làm giãn bản in, gây sự mấy ổ định trong quá trình in.
Kiến thức cần thiết. Để hoàn thành nhiệm vụ này, người thợ IOTR cần có kiến thức sau: Cấu tạo của ống bản, nẹp bản, nguyên lý làm việc của bộ phấn nẹp bản, cách tính toán độ dày bọc ống và cách lót bản. Hướng dẫn của nhà sản xuất về vận hành thiết bị, các chỉ dẫn làm việc phù hợp với thiết bị.
2.1.8. Phân tích nhiệm vụ lắp tấm cao su
Mô tả. Gồm có các công việc sau
-
- Lựa chọn tấm cao su theo đặc tính của máy.
- Lắp thanh nẹp cao su.
- Tháo tấm cao su cũ, và bọc lót tấm cao su mới.
- Xác định đúng lực căng tấm cao su.
- Xác định độ dày bọc lót bằng dụng cụ đo
Đặc điểm. Tấm cao su là đặc trưng của máy in Offset, cao su là vật trung gian truyền mực, nhờ tính đàn hồi của cao su, lớp mực in mịn hơn, bù trừ sự không bằng phẳng của giấy. Độ dày bọc lót tấm cao su là cơ sở thiết lập áp lực in, lực căng cao su phải thật chính xác, không được làm chùng cao su khi in sẽ bị đúp nét. Khi lực căng lớn làm giãn và hỏng tấm cao su.
Kiến thức cần thiết. Người thợ in phải hiểu cấu tạo của hai loại cao su chịu nén và không chịu nén để dùng đúng loại cao su phù hợp, tính chất nhám bề mặt cao su của cao su là cơ sở cho việc bám mực. Đo độ dày giấy lót đúng để đảm bảo áp lực in chính xác. Luôn tuân thủ chỉ dẫn của nhà sản xuất cao su, máy in.
2.1.9. Phân tích nhiệm vụ chuẩn bị hệ thống cấp mực
Mô tả. Gồm có các công việc sau
-
- Thiết lập thứ tự mực cho bài in, có cân nhắc đến:
- Dạng vật liệu.
- Mức độ che phủ mực cho phép khô bình thường.
- Hạn chế lãng phí
- Tính chất vật liệu
- Dùng Durometer đo độ cứng cao su khi cần thiết.
- Chuẩn bị hệ thống mực theo tính năng của máy và tính chất công việc
- Lắp các lô mực
- Canh áp lực lô mực.
- Lắp và điều chỉnh áp lực của lô chuyền mực, lô chà mực
- Lắp máng mực và các tấm lót
- Thiết lập thứ tự mực cho bài in, có cân nhắc đến:
Đặc điểm. Hệ thống này quyết định lượng mực cung cấp cho bản in, cần phải đảm bảo tính ổn định trong suốt quá trình in, vì nếu không, màu sắc sẽ không đồng đều. Do vậy cần đảm bảo sự tiếp cúc của các lô trên dọc chiều dài lô chính xác. Các lô cao su trong hệ thống cần phải có độ đàn hồi chính xác để giữ ổn định áp lực, sự bám mực. Lượng mực cung cấp phải vừa đủ để tránh lãng phí và mực không khô.
Kiến thức cần có. Người thợ IOTR phải phân tích được tính năng hoạt động của hệ thống, cấu trúc của hệ thống, chức năng hoạt động của từng loại lô, cấu tạo và nguyên lý hoạt động của máng mực. Canh chỉnh áp lực lô theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Tùy theo độ phủ mực của bản in mà cung cấp lượng mực vừa đủ, tránh gây lãng phí.
2.1.10. Phân tích nhiệm vụ chuẩn bị hệ thống cấp ẩm
Mô tả. Gồm có các công việc sau
-
- Pha dung dịch làm ẩm, cần lưu ý đến
- Thành phần dung dịch
- Tỷ lệ pha giữa các thành phần
- Kiểm soát nồng độ, độ pH, dẫn xuất
- Kiểm soát nhiệt độ bồn pha
- Kiểm tra hệ thống bơm hút, tuần hoàn
- Canh chỉnh hệ thống lô chà ẩm
- Canh chỉnh áp lực lô chà bản
- Canh chỉnh lô sàng – lô chà bản
- Điều chỉnh lượng cấp ẩm phù hợp với độ che phủ mực trên bản in
- Pha dung dịch làm ẩm, cần lưu ý đến
Đặc điểm. Hệ thống làm ẩm là một trong các nhân tố cơ bản tạo nên hệ thống in Offset truyền thống, hệ thống này đảm bảo phân tách mực/ẩm giữa phần tử in và không in trên bản in. Mặt khác dung dịch làm ẩm phải đảm bảo làm sạch bản in mà không phá hủy bản in vì vậy nồng độ và tỷ lệ các thành phần trong dung dịch rất quan trọng. Áp lực chà ẩm lên bản của các lô chà phải chính xác để trải một lớp màng ẩm mỏng trên bản in.
Kiến thức cần thiết. Người thợ IOTR cần phải hiểu rõ nguyên lý in Offset truyền thống, cấu trúc của hệ thống cấp ẩm. Tính chất hóa lý của các hóa chất dùng để pha dung dịch làm ẩm, tác dụng của mỗi loại, thành phần quy định. Song song đó, người thợ cũng cần khả năng phân tích tình huống thực tế để có những điều chỉnh khi cần thiết.
(còn tiếp)
Học viện PrintMedia Việt Nam – thành viên tổ chức “PRINTING United Alliance – www.printing.org”