Prima.vn - Cổng thông tin điện tử ngành in và bao bì Việt Nam
Trang chủ » Loạt bài cơ bản về PDF/X: Bài 1 – Lịch sử của tiêu chuẩn PDF/X

Chia sẻ

PHẦN MỀM / TIN TỨC / TRƯỚC IN

Loạt bài cơ bản về PDF/X: Bài 1 – Lịch sử của tiêu chuẩn PDF/X

Loạt bài cơ bản về PDF/X: Bài 1 – Lịch sử của tiêu chuẩn PDF/X

Bài 1- Giới thiệu: Lịch sử của tiêu chuẩn PDF/X

Viết bởi Dietrich von Seggern

Dịch bởi: Jimmy Nguyễn

Hiệu đính: Ngo Printer

PDF/X là tiêu chuẩn ISO đầu tiên dựa trên công nghệ PDF. Nó là một phần đặc tả (specification) của PDF được thiết kế để tăng khả năng phục vụ cho từng nhu cầu cụ thể của các tệp PDF. Phần đầu tiên, PDF/X-1a, dựa trên PDF 1.3, ra mắt vào năm 2001. Tại sao lại có việc này?

Adobe giới thiệu định dạng PDF

Vào những năm 1980, Adobe đã phát minh ra PostScript, một ngôn ngữ miêu tả trang tiêu chuẩn cho phép kết nối mọi máy in (PostScript) với bất kỳ máy tính/ ứng dụng dàn trang (PostScript) tương ứng. Ngôn ngữ này kết nối các lệnh mô tả trang nên thiết bị in có thể chuyển đổi chúng thành một trang in mà không cần bộ xử lý hiện đại hoặc bộ nhớ khổng lồ – một yêu cầu rất quan trọng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, PostScript không được thiết kế để lưu trữ vào ổ cứng, nó thường tạo ra các tệp có dung lượng rất lớn và khi hiển thị màn hình (nếu được) sẽ rất tốn thời gian.

Là nhà phát triển của Photoshop, FrameMaker và Illustrator, hãng Adobe có nhiều kinh nghiệm trong ngành In & Truyền thông. Tuy nhiên, khi thiết kế định dạng PDF để khắc phục những thiếu sót của PostScript, suy nghĩ ban đầu của họ lại thiên về một định dạng để trao đổi văn bản thông thường. Những gì Adobe đã không nhận ra – ít nhất là tại giai đoạn “phôi thai” – chính là nhu cầu cấp thiết về một định dạng dùng để trao đổi dữ liệu trong ngành công nghiệp in.

Chế bản chuyển đổi sang kỹ thuật số và không còn “khép kín”

Vào những năm 1990, thị trường sản xuất in bị chấn động bởi các công nghệ xuất bản điện tử đã mang đến cho người dùng máy tính bình dân những công cụ vốn rất đắt tiền. Thay đổi này ảnh hưởng đến chi phí/ thiết bị được sử dụng trong các nhà in và tạo ra nhu cầu trao đổi tệp dàn trang in giữa các công ty.

Vào thời điểm đó, tôi đang làm việc cho tổ chức tiếp thị báo chí Đức – là mạng lưới kết nối các công ty quảng cáo với các nhà in báo. Định dạng EPS (Encapsulated PostScript) vốn đang được sử dụng để trao đổi dữ liệu. So với PDF, định dạng này có dung lượng rất lớn, không có trình xem trước, khó phân tích cú pháp dữ liệu và kiểm tra trước in, phông chữ thường không được nhúng và phải được gửi riêng, …

Do những hạn chế đó của định dạng EPS, chúng tôi đã liên tục tìm kiếm giải pháp thay thế. Tiếc rằng, tất cả các ứng cử viên (có PDF 1.0 cùng vài định dạng khác) đã quá tập trung vào các mục đích trao đổi văn bản thông thường, không hỗ trợ in không gian màu CMYK và nhiều yêu cầu cốt lõi khác của chế bản. Chỉ đến khi Adobe công bố PDF 1.2 – không chỉ hỗ trợ không gian màu CMYK mà còn tạo ra các tệp dung lượng rất nhỏ ngay cả khi hình ảnh có độ phân giải cao – đó mới thực sự là tín hiệu tốt.

PDF đã thay đổi toàn diện chế bản

PDF 1.2 là một bước tiến lớn, nhưng vẫn còn một vài điểm yếu và một thiếu sót đặc biệt quan trọng: chưa hỗ trợ màu pha. Tuy nhiên, khả năng thay đổi toàn bộ quá trình chế bản của PDF đã trở nên rõ ràng. Năm 1998, một nhóm các chuyên gia về chế bản tại châu Âu đã viết một bài với chủ đề “PDF cho ngành chế bản” và gửi nó đến Adobe; hầu như tất cả các khuyến nghị của nhóm này đã được giải quyết trong PDF 1.3. Từ thời điểm đó trở đi, PDF đã trở thành cột mốc tham chiếu của mọi lưu đồ làm việc cho đồ hoạ.

Tính linh hoạt vốn có của PDF dẫn đến việc không phải mọi tệp PDF đều có thể được sử dụng để in, thực tế đó đã thúc đẩy các nhà phát triển phần mềm tạo ra những công cụ kiểm tra trước in để xác định xem một tệp PDF cụ thể có đáp ứng được các yêu cầu của ngành in hay không.

Việc chuẩn hóa định dạng PDF cho sản xuất in

Để tạo thuận lợi cho từng quy trình làm việc cụ thể, các nhà in bắt đầu đưa ra các yêu cầu của riêng họ đối với tệp PDF, sau đó gửi những yêu cầu này cho những người tạo tệp PDF mà rồi họ sẽ tiếp nhận để sản xuất.

Việc này nghe hợp lý về mặt kỹ thuật, nhưng phương pháp này có một số hạn chế lớn: Thứ nhất, nó yêu cầu người tạo tệp in phải tinh chỉnh các tệp PDF theo từng nhà in, điều đó có nghĩa là một tệp PDF được chấp nhận bởi nhà in này có thể bị từ chối bởi nhà in khác. Việc thảo luận chi tiết từng yêu cầu tinh chỉnh với từng nhà in như vậy sẽ làm phát sinh chi phí vận hành và khó thực hiện đại trà.

Một thực tế khác là người tạo tệp PDF để in thường cũng là khách hàng hay có quan hệ kinh doanh chặt chẽ với họ. Nhà in phát hiện rằng sẽ rất khó triển khai nghiêm ngặt các nguyên tắc lên người tạo tệp (cũng chính là khách hàng). Vì có nhiều khả năng khách hàng sẽ đi tìm nhà in khác phù hợp với mình hơn là phải bắt buộc làm theo quy định của nhà in.

Do đó, nhu cầu về một đặc tính rõ ràng của bên thứ ba (một tiêu chuẩn) áp dụng lên cả người tạo tệp và người tiếp nhật là rất cần thiết. Nhu cầu cấp thiết về các quy định  khách quan cho việc tạo tệp PDF đã dẫn đến sự phát triển của tiêu chuẩn PDF/X.

Nguồn: www.pdfa.org/introduction-the-history-of-pdfx/

102 bình luận

Bình luận