Prima.vn - Cổng thông tin điện tử ngành in và bao bì Việt Nam
Trang chủ » TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NGÀNH IN VIỆT NAM NĂM 2022 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2023

Chia sẻ

Tin nổi bật / TIN TỨC

TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NGÀNH IN VIỆT NAM NĂM 2022 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2023

TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NGÀNH IN VIỆT NAM NĂM 2022 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2023

Kính thưa Quý độc giả!

Được sự cho phép của Cục xuất bản, In và Phát hành – Bộ Thông tin và Truyền thông, PRIMA.VN – Cổng thông tin chuyên ngành in và bao bì sẽ lần lượt đăng tải loạt tài liệu về hoạt động ngành in năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023.

PHẦN 1: TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NGÀNH IN VIỆT NAM NĂM 2022

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG NGÀNH IN NĂM 2022

  1. Bối cảnh

Thị trường năm 2022 có nhiều biến động trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, khó lường và chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính trị – kinh tế khác nhau. Tình trạng xáo trộn, đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa công nghiệp toàn cầu làm cho các khâu của quá trình in ấn – phân phối – trao đổi – tiêu dùng vốn được liên kết chặt chẽ, thông suốt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đặc biệt, những tháng đầu năm 2022, ảnh hưởng xung đột quân sự Nga – Ukraine, các cơ sở in gặp phải rất nhiều khó khăn, không đủ nguyên liệu cho sản xuất, nguồn cung vật tư chính như giấy, kẽm, mực đều tăng, giá các loại sản phẩm giấy in tăng cao từ 14,6 – 30,8%[1], đặc biệt vật tư keo tăng rất cao từ 50 – 70%. Nhìn chung giá vật tư ngành In tăng trở lại tương ứng với giá đỉnh điểm trong giai đoạn giãn cách xã hội do ảnh hưởng dịch Covid-19. Chi phí logistics và vận tải đường biển tăng cao do bất ổn nguồn cung nhiên liệu. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong Ngành còn chịu thiệt hại rất lớn do thiếu hụt nhân công và tình trạng gián đoạn chuỗi tiêu thụ sản phẩm làm tăng giá thành sản xuất cho doanh nghiệp.

Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021 – 2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình, sự thay đổi chính sách của các nước để kịp thời tham mưu ban hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các giải pháp vĩ mô phù hợp; đồng thời triển khai tích cực, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, phục hồi và thúc đẩy ngành In phát triển. Trong năm 2022, ngành In đã xuất hiện những “điểm sáng” rất cơ bản; đồng thời cũng cho thấy rất rõ những mặt tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

  1. Các chỉ số phát triển[2]

a) Số lượng, phân bố, phân cấp, mô hình các cơ sở in.

Đến ngày 14/02/2023, cả nước có 2.402 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động[3], số lượng cơ sở in năm 2022 tăng 3,2% so với năm 2021, tăng 15,87% so với trước Covid – 2019.

– Phân cấp Trung ương và địa phương: 112 cơ sở in Trung ương (4,7%) và 2.290 cơ sở in ở địa phương (95,3%). Cơ sở in địa phương tăng 5,8% so với năm 2021, tăng 8,9% so với trước Covid – 2019.

– Phân loại theo mô hình hoạt động: Đơn vị sự nghiệp: 98 cơ sở (4%); Doanh nghiệp: 2.102 cơ sở (87,5%); Hộ kinh doanh: 202 cơ sở (8,5%).

– Phân loại theo vốn đầu tư: Doanh nghiệp Việt Nam: 2.067 cơ sở (chiếm 86%) tăng 4%; Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp liên kết Việt Nam – nước ngoài: 335 cơ sở (chiếm 14%), tăng 2,1% so với năm 2021.

– Phân loại theo cơ cấu sản phẩm: Đơn vị có in xuất bản phẩm và các sản phẩm khác: 1.145 cơ sở (chiếm 48%). Đơn vị không in xuất bản phẩm (in bao bì, nhãn hàng): 1.257 cơ sở (chiếm 52%) tăng 4,9% so với năm 2021, tăng 9% so với trước Covid – 2019.

b) Doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách

Năm 2022, doanh thu toàn ngành đạt  93.151 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2021,  giảm 4% so với năm 2019); Lợi nhuận (sau thuế) đạt 4.069 tỷ đồng (tăng 6% so với năm 2021, giảm 10% so với trước Covid – 2019); Nộp ngân sách đạt 3.240 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2021, giảm 7% so với trước Covid – 2019).[4]

c) Thiết bị, nguyên vật liệu

Năm 2022, tổng số máy in nhập khẩu là 50.340 chiếc với giá trị là 5.126 tỷ đồng, trong đó:

– Máy in công nghiệp (gồm máy in offset, máy in flexo, máy in ống đồng, máy in letterpress) nhập khẩu vào Việt Nam là 800 chiếc với giá trị là 2.880 tỷ đồng (giảm 15% so với năm 2021, giảm 5,2% so với trước Covid – 2019). Một số máy in công nghiệp có giá trị lớn từ vài chục tỷ đồng đến gần 100 tỷ đồng[5]. Số lượng máy in flexo, máy in leterpress được nhập khẩu vào Việt Nam chiếm tỷ lệ cao 51,4% trên tổng số thiết bị in công nghiệp nhập khẩu. In offset vẫn là công nghệ in chủ đạo, chiếm 35,5% giá trị đầu tư trên tổng số thiết bị.

– Máy photocopy màu và máy in đa chức năng là 49.540 chiếc (tăng  43,2% so với 2021 và 37% so với trước Covid – 2019) với giá trị là 2.246 tỷ đồng (tăng 29% so với năm 2021, tăng 340% so với trước dịch Covid – 2019).  

– Tỷ lệ máy mới 100% là 95,2% với giá trị là 3.209 tỷ đồng, tỷ lệ máy in đã qua sử dụng là 4,8% với giá trị là 329 tỷ đồng. In kỹ thuật số phát triển nhanh với các thiết bị in khổ lớn, tốc độ cao, đáp ứng thị trường in thương mại và in sản phẩm cá nhân hóa.

Năm 2022, sản lượng giấy các loại đạt 5,758 triệu tấn, tăng trưởng 5,6%, tương ứng với lượng tăng 0,308 triệu tấn so với năm 2021 (đạt sản lượng 5,45 triệu tấn). Trong đó, giấy bao bì (testliner và medium) đạt sản lượng 4,932 triệu tấn; giấy in & viết tráng đạt sản lượng 323 nghìn tấn, tăng 25,9% so với 256,5 nghìn tấn năm 2021[6]. Tổng lượng nhập khẩu tăng 28,06%, giấy làm bao bì, nhập khẩu tăng 31,57%, giấy in báo nhập khẩu giảm 9,23%, giấy tissue, nhập khẩu tăng 11,38%; giấy khác (giấy in nhiệt, cacbonless, giấy ngành gỗ, giấy ngành dược, in ảnh, ly & cốc giấy, giấy lót tráng nhôm, in tem nhãn & mác…), nhập khẩu tăng 32,56% so với cùng kỳ năm trước[7]. Như vậy, các loại giấy cao cấp, giấy đặc biệt trong nước chưa sản xuất được vẫn có nhu cầu cao và phải nhập khẩu, đây là thị trường ngách mà các nhà sản xuất giấy trong nước có thể tận dụng trong những năm tới đây.

d) Nhân lực

Số lượng lao động năm 2022 là 61.228 lao động (tăng 4,1% so với năm 2021, tăng 2,3% so với trước Covid – 2019); trong đó số lao động nam chiếm 59,2%, lao động nữ chiếm 40,8%. Số lao động được đào tạo dưới mọi hình thức (từ ngắn hạn, sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng, đại học) dưới 60%. Trong số lao động được đào tạo trên Đại học chưa tới 1%, Đại học và Cao đẳng chiếm khoảng 20%, trung cấp khoảng 10%, còn lại là Sơ cấp nghề hoặc chưa qua đào tạo[8].

Theo đánh giá, nhu cầu nguồn nhân lực đào tạo của ngành in vào khoảng 2.200 – 2.500 người/năm. Tuy nhiên, năm 2017, cả nước có 6 cơ sở đào tạo. Hiện nay, cả nước còn  4 cơ sở đào tạo[9] trong đó có 02 cơ sở đào tạo trình độ đại học; 01 cơ sở đào tạo từ trình độ cao đẳng trở xuống; 02 cơ sở đào tạo trung cấp và sơ cấp. Tổng số đào tạo mỗi năm đào tạo khoảng 1.200 học viên.

  1. Đánh giá

a) Một số kết quả nổi bật

Thứ nhất, duy trì nhịp độ phát triển, có bước tăng trưởng cả về quy mô và số lượng.

Mặc dù 2022 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và đối với các doanh nghiệp ngành In nói riêng do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa công nghiệp toàn cầu, nhưng các doanh nghiệp ngành In Việt Nam đã nỗ lực vượt khó, đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hệ thống mạng lưới cơ sở in được giữ vững, doanh thu toàn ngành tăng trưởng 9% so với năm 2021, số lượng cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp liên kết Việt Nam – nước ngoài tăng 3,2%. Ngoài 2 trung tâm in lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đã xuất hiện thêm một số khu vực trọng điểm in có công suất tương đối lớn như[10]:  Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh, thu hút được nhiều nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó có dòng vốn FDI. Xuất hiện một số doanh nghiệp in qui mô, doanh thu từ 300-1.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu lĩnh vực in bao bì, tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất hàng hóa lớn như: Liksin, Goldsun, Bao bì Nông nghiệp APP, Việt Hưng, In Số 7…

Thứ hai, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật và đổi mới công nghệ, bắt kịp trình độ phát triển khu vực và thế giới.

Việc đầu tư hiện đại hóa ngành tiếp tục được đẩy mạnh. Quá trình cổ phần hóa, tư nhân hóa, nhu cầu tăng trưởng của các ngành kinh tế cùng tiềm lực của các thành phần kinh tế đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp in mạnh dạn mở rộng và hiện đại hóa quy trình, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng những đơn hàng có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp in tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và quản lý, đầu tư thiết bị in hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đầu tư trung bình của ngành In trong 2022 ở mức khoảng trên 5.000 tỷ đồng. Quá trình in được chú trọng đầu tư chủ yếu với các thiết bị in hiện đại, mới 100% với mức độ tự động hóa cao. In ống đồng và in flexo có sự phát triển ở in bao bì, nhãn mác. In offset vẫn là công nghệ in chủ đạo, giá trị đầu tư 35,5% trên tổng số thiết bị. In kỹ thuật số phát triển nhanh với các thiết bị in khổ lớn, tốc độ cao, đáp ứng thị trường in thương mại và in sản phẩm cá nhân hóa.

Thứ ba, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng cao đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng khách hàng.

Nhờ đổi mới công nghệ, kịp thời áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nên số lượng và chất lượng các sản phẩm in không ngừng được nâng lên rõ rệt đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng và đòi hỏi ngày càng cao của đông đảo bạn đọc và người sử dụng. Sản lượng in tăng bình quân đạt hơn 10%/năm.

Riêng trong lĩnh vực in xuất bản phẩm, năng lực công nghệ in đã có những bước tiến đáng kể trong thời gian qua. Các loại sách như sách giáo khoa và hầu hết các loại ấn phẩm giáo dục hiện đã được in nhiều màu với chất lượng cao đã làm tăng hiệu quả đáng kể trong dạy và học, đặc biệt hiện nay thịnh hành một số ấn phẩm đặc biệt với chất lượng in cao cấp, bìa da được làm thủ công, mép sách có phun nhũ, mạ kim loại. Sản phẩm in bao bì mẫu mã hàng hóa cũng ngày càng đa dạng, góp phần quan trọng cho nhiều ngành kinh tế (đặc biệt nhóm hàng tiêu dùng) tăng trưởng.

b) Hạn chế, tồn tại chủ yếu

Ngành công nghiệp in là một ngành có tốc độ tăng trưởng khá, đi đầu trong ứng dụng công nghệ, có ảnh hưởng đến các ngành khác. Tuy nhiên, ngành công nghiệp in cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định làm cho ngành In đứng trước những khó khăn như:

Thứ nhất, qui mô nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp

Tuy số lượng doanh nghiệp in tăng nhanh trong những năm qua nhưng tập trung vào công nghệ có giá trị đầu tư thấp khiến công suất ở một số khu vực dư thừa, đặc biệt là khu vực in xuất bản phẩm, báo chí, tạp chí. Đại bộ phận là các doanh nghiệp in có quy mô nhỏ ngoại trừ một số ít các doanh nghiệp FDI có quy mô vừa và lớn. Các cơ sở in nằm phân tán, xen lẫn các khu dân cư đông người, đặc biệt là tập trung ở các tỉnh/TP lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Hải Phòng, Bắc Ninh.

So sánh trong khu vực cho thấy, qui mô ngành công nghiệp in Việt Nam tuy có bước phát triển nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện chỉ có khoảng 2.400 doanh nghiệp với tổng doanh thu vào khoảng 4 tỉ USD, đứng thứ 4, sau Indonesia, Malaysia, Thái Lan. So sánh với Thái Lan, con số doanh nghiệp in khoảng 5.000 và tổng giá trị sản phẩm in là 10 tỉ USD[11].

Thứ hai, năng lực công nghệ và năng lực quản trị còn hạn chế

Hạn chế trong quản trị doanh nghiệp in như: quản lý các công đoạn sản xuất, kiểm soát máy móc thiết bị, quản lý và kiểm soát kỳ hạn và giá trị đơn hàng, quản lý thông tin khách hàng, thông tin nhân sự, quản lý vật tư, nguyên vật liệu đặc biệt không có phần mềm quản lý in ấn là nguyên nhân khó khăn trong quản lý doanh thu.

Hầu hết các doanh nghiệp chưa đầu tư, quan tâm đến xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế để tham gia chuỗi sản xuất hàng hóa cung ứng toàn cầu, thiếu công nghệ quản lý, công nghiệp 4.0 chưa tập trung vào việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm thông qua ứng dụng số hóa. Các doanh nghiệp nhỏ hạn chế nguồn lực, không có năng lực tái đầu tư, công nghệ còn lạc hậu, không đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu; không bảo đảm yêu cầu về môi trường.

Thiết bị in cũ nhập khẩu chiếm tỷ lệ nhiều hơn, cho thấy doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực để update công nghệ mới. Việc chuyển đổi công nghệ trước, trong và sau in tuy đã có những thay đổi nhất định nhưng chưa đồng đều. Phần lớn doanh nghiệp in Việt Nam chậm đổi mới dây chuyền công nghệ dẫn đến sản phẩm in còn đơn điệu, giá trị mang lại thấp.

Thứ ba, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển

Nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp in hiện nay đang là vấn đề nan giải đối với nhiều cơ sở, nó không chỉ là vấn đề ảnh hưởng xấu tới sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn mà còn có thể dẫn tới nguy cơ tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Vấn đề thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề, hoặc đã qua đào tạo trong ngành In không phải là mới mà đã có rất nhiều ý kiến trên các diễn đàn Hội nghị ngành in, trong Hiệp Hội in Việt Nam và các Hội in địa phương trên toàn quốc nhưng vẫn chưa có giải pháp thiết thực. Trong 2 năm trở lại đây, vấn đề lao động trực tiếp đứng máy của các doanh nghiệp in đặc biệt báo động. Sự biến đổi nhân lực xảy ra ở hầu hết các cơ sở in gồm doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Sự diễn biến lao động này theo một chiều ra nhiều hơn vào làm cho các doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động rất nhiều, nhất là trong những thời điểm mang tính mùa vụ của các doanh nghiệp in. Điều này làm cho ngành In đã rất khó khăn trong lúc đang suy giảm kinh tế công việc ít, giá vật tư, dịch vụ tăng cao, nhưng giá công in không tăng lại càng khó khăn thêm.

Số lượng đào tạo chưa thỏa mãn nhu cầu, chất lượng đào tạo cũng chưa bắt kịp với mức độ đổi mới về kỹ thuật, công nghệ đang diễn ra với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Thực tế, môi trường đào tạo trong nước thiếu cơ sở vật chất thiết bị, phương tiện thực hành. Vì vậy, sau khi ra trường các kỹ sư, công nhân in tiếp cận với doanh nghiệp còn khó khăn. Rõ ràng, nếu hệ thống đào tạo của ta cần có những bước phát triển vượt bậc, không được tiếp sức có hiệu quả của toàn ngành thì khoảng cách tụt hậu ngày càng xa. Do đó, cần nâng cao sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng nhân lực để nhân lực được đào tạo đáp ứng được ngay yêu cầu của công việc.

II. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG IN

  1. Công tác xây dựng, triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và chính sách phát triển Ngành

– Ngày 04/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

– Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nghị định bổ sung chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm.

– Bước đầu thí điểm thành lập Trung tâm tư vấn ngành In nhằm định hướng, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, sản xuất của cơ sở in trong nước, phát triển nguồn nhân lực và đặc biệt mở rộng thị trường in xuất khẩu.

– Đề xuất các cơ chế, chính sách với Chính phủ hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, kiến nghị với các địa phương đưa các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất bản, in và phát hành vào nhóm đối tượng được miễn giảm thuế; chỉ đạo giảm giá tiền thuê đất, tiền thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp; giảm chi phí dịch vụ với các dịch vụ thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.

  1. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính

Theo báo cáo hoạt động in trên cả nước, năm 2022 đã tiến hành 1.139 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy (tăng 57% so với năm 2021) và ban hành 55 Quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt 677.000.000 đồng; tịch thu, tiêu hủy 127.051 xuất bản phẩm.[12]

– Năm 2022, công tác phòng, chống in lậu đã được quan tâm và tăng cường bằng nhiều hình thức hoạt động tạo thành sức mạnh tập thể xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, đó là sự tham gia vào cuộc đồng bộ, hiệu quả giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với các Bộ, các Sở Thông tin và Truyền thông, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương và các Đội liên ngành địa phương, đặc biệt là có sự vào cuộc của Cơ quan An ninh điều tra (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra cơ sở in trên địa bàn huyện Thạch Thất – huyện Quốc Oai thu giữ khoảng 100 tấn sách với hơn 400 đầu sách, gần 400.000 cuốn sách và các thiết bị in. Ngày 01/01/2023, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án buôn bán 750 thùng sách với trên 90.000 quyển sách giáo khoa giả tại Nhà sách Tự chọn, Thị trấn Đông Hưng, Huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình về tội “buôn bán hàng giả”, theo khoản 3, Điều 192, Bộ luật Hình sự.

Mặc dù vậy, công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý in lậu, in giả còn một số mặt hạn chế, tính chủ động, kịp thời chưa cao. Cụ thể:

– Số lượng các đợt tuyên truyền phổ biến pháp luật, tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn tăng 226% so với năm 2021; số lượt kiểm tra, phối hợp thanh tra xử lý vi phạm tại địa phương tăng 58% so với năm 2021.

– Việc quản lý hoạt động cơ sở in, photocopy chưa hiệu quả. Một số tỉnh thành phố, số liệu về cơ sở in, photocopy trên thực tế nhiều hơn so với danh sách quản lý của địa phương[13]. Đây là những số liệu chưa đầy đủ, cần thiết phải hoàn thiện nhanh, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước được tốt hơn; nhất là đối với công tác phòng, chống in lậu. Nhiều cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy hoạt động nhưng chưa được đưa vào danh sách cụ thể, chính xác, gây khó khăn cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng.

– Việc thực thi pháp luật của một số cơ sở in vẫn còn yếu; có nơi, việc kiểm tra đôn đốc của cơ quan quản lý còn chưa được sát sao. Sau 10 năm thực hiện Luật Xuất bản và 08 năm thực hiện Nghị định số 60/2014/NĐ-CP nhưng đến nay một số quy định của pháp luật về hoạt động in vẫn chưa được triển khai đồng bộ, vẫn còn nhiều cơ sở in chưa thực hiện các quy định đảm bảo điều kiện hoạt động in. Theo báo cáo của các Sở Thông tin và Truyền thông từ năm 2015 đến năm 2021 hiện mới chỉ cấp mới 580 giấy phép hoạt động in và cấp đổi 469 giấy phép hoạt động in trên tổng số cơ sở in có giấy phép hoạt động in là 1.145 cơ sở in, còn 96 cơ sở in chưa thực hiện cấp đổi giấy phép hoạt động in[14].

– Một số địa phương gặp vấn đề khó khăn trong việc tiến hành kiểm tra, thanh tra các cơ sở in hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực đất an ninh, quốc phòng vẫn chưa được cải thiện mặc dù đã có nhiều phản ánh đến các cơ quan chủ quản của cơ sở in nằm trên địa bàn này.

  1. Phối hợp trong công tác quản lý

– Công tác phối hợp trong quản lý nhà nước ngày càng quán triệt xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Nó thể hiện cụ thể qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật đến việc rà soát cấp phép, đăng ký, xác nhận, khai báo…, trong lĩnh vực in; kiện toàn, thành lập mới Đoàn, Đội liên ngành…

– Công tác phối hợp hỗ trợ nghiệp vụ, trợ giúp pháp lý, cung cấp thông tin, phổ biến kinh nghiệm đã được triển khai thường xuyên, kịp thời trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ giữa cơ quan quản lý các cấp, các ngành đã đem lại hiệu quả thiết thực. Sự phối hợp công tác của từng cán bộ ở từng đơn vị và các đơn vị với nhau ngày càng chặt chẽ, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao trong việc trao đổi và cung cấp thông tin đã trở thành một phần thiết yếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý ở các ngành, các cấp.

Mặc dù có nhiều tiến bộ trong công tác phối hợp nhưng vẫn còn nhiều
hạn chế. Cụ thể:

– Công tác phối hợp giữa Cục Xuất bản, In và Phát hành, Đoàn liên ngành Trung ương với các Sở Thông tin và Truyền thông và một số cơ quan liên quan ở địa phương triển khai còn chậm. Hiện nay, Đoàn liên ngành chưa xây dựng cơ chế phối hợp với Tổng cục Quản lý Thị trường; Công tác phối hợp với của Đoàn liên ngành Trung ương với các hội nghề nghiệp, nhất là với Hiệp hội In Việt Nam chưa phát huy vai trò tích cực của Hội vào công tác phòng, chống in lậu; hầu hết hoạt động mới chủ yếu tập trung vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật; chưa hỗ trợ sâu về các nghiệp vụ khác trong phòng, chống in lậu.

– Việc phối hợp giữa các Đội liên ngành địa phương hoặc giữa Đội liên ngành địa phương với các ngành liên quan trên địa bàn đã có một số tiến bộ nhưng vẫn có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời. Nhiều trường hợp, khi phát hiện vụ việc sai phạm, nhất là các trường hợp vi phạm diễn ra trên nhiều địa bàn, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xác minh giữa các Đội liên ngành bị hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả chung của công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm.

– Hiện nay, trên 95%  cơ sỏ in thuộc địa phương quản lý, do đó công tác phối hợp trong thống kê báo rất quan trọng. Tuy nhiên, số liệu báo cáo thống kê đến thời điểm tổ chức hội nghị vẫn còn 5 Sở Thông tin và Truyền thông chưa cập nhật báo cáo về hoạt động in tại địa phương[15].

    • [1] Theo số liệu đăng trên Tạp chí Công nghiệp giấy Việt Nam số 02-2022, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, tháng 8-9/2022, tr. 7.
    • [2] Số liệu so sánh với năm 2021 và năm 2019.
    • [3] Xem Phụ lục 05.
    • [4] Xem Phụ lục 01.
    • [5] Theo số liệu cấp phép tại Cục Xuất bản, In và Phát hành (Offset 284 chiếc, flexo 318 chiếc, ống đồng 105 chiếc và 93 máy in letterpress). Xem Phụ lục 03.
    • [6] Xem Phụ lục 8
    • [7] Xem Phụ lục 7
    • [8] Xem Phụ lục 02.
    • [9] Năm 2017, Trường trung cấp bao bì An Đức (Liksin) dừng tuyển sinh; năm 2018, Trung tâm đào tạo ITAXA (sơ cấp nghề 9 tháng) dừng tuyển sinh. Hiện có 4 cơ sở đào tạo là: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM, Trường Cao đẳng công nghiệp in và Trường Trung cấp kỹ thuật kinh tế Sài Gòn 3.
    • [10] Xem Phụ lục 05.
    • [11] Theo https://www.statista.com/forecasts/1221586/printing-and-reproduction-of-recorded-media-revenue-in-indonesia và https://www.jstage.jst.go.jp/article/nig/55/2/55_96/article/-char/en.
    • [12]  Tính đến ngày 14/02/2023, 53/63 Sở Thông tin và Truyền thông đã báo cáo: Thanh tra chuyên ngành: 29, Kiểm tra chuyên ngành: 241, Thanh tra kiểm tra liên ngành: 869. Các Sở Thông tin và Truyền thông: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Cao Bằng, Hà Nam, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Vĩnh Long chưa gửi báo cáo.
    • [13] Tính đến ngày 31/01/2023, thành phố Hà Nội mới có 338 cơ sở in, thành phố Hồ Chí Minh có 625 cơ sở in, tỉnh Bình Dương có 201 cơ sở in, Long An có 143 cơ sở in, Đồng Nai có 66 cơ sở in, Hải Phòng có 57 cơ sở in, Hải Phòng có 51 cơ sở in,… trong đó các tỉnh/TP có số lượng lớn cơ sở in vốn đầu tư nước ngoài là: Bình Dương, Long An, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng… Thực tế thành phố Đà Nẵng hiện đang quản lý 27 cơ sở tuy nhiên hệ thống dữ liệu cơ sở in hiện mới cập nhật được 04 cơ sở.
    • [14] Theo thống kê trên hệ thống báo cáo trực tuyến của Cục Xuất bản, In và Phát hành https://ppdvn.gov.vn/ web/guest/so-tttt-bao-cao.
    • [15] Tính đến ngày 14/02/2023 các Sở Thông tin và Truyền thông: Bà Rịa – Vũng Tàu,  Hà Nam, Nghệ An, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc chưa gửi báo cáo.

MỜI QUÝ ĐỘC GIẢ XEM ĐOẠN CLIP TỔNG KẾT NGÀNH IN NĂM 2022 

 

Không có bình luận

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>