TỪ QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ & XÂY DỰNG NHÀ MÁY IN THÔNG MINH CỦA NGÀNH IN TRUNG QUỐC ĐẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH IN VIỆT NAM
Ngô Anh Tuấn
Ban hỗ trợ doanh nghệp – Hội in TPHCM
Ngành In Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong 20 năm qua, từ sản xuất đơn lẻ chất lượng trung bình – khá đến tự chủ về máy móc và nguyên vật liệu để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, xuất khẩu thiết bị – vật tư ngành in ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trên toàn thế giới. Từ năm 2018, ngành in Trung Quốc đã đứng thứ hai thế giới với GDP hơn 167 tỷ USD. Dù cơ quan quản lý nhà nước có các chiến lược phát triển ngành In rất tốt, tập hợp được tinh hoa của đất nước và được sự ủng hộ của doanh nghiệp nhưng ngành in Trung Quốc vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, đặc biệt là trong việc chuyển đổi số và xây dựng nhà máy in thông minh.
Việc chuyển dịch chuỗi cung ứng nói chung và sản phẩm In nói riêng từ Trung Quốc sang Việt Nam, Ấn Độ… là xu hướng tất yếu hiện nay, đã diễn ra trong 5 năm qua và ngày càng tăng. Có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta không thể chuyển đổi số hay xây dựng nhà máy thông minh cho ngành in ngay bây giờ, tuy nhiên, muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và tận dụng thời cơ do các hiệp định thương mại đã được chính phủ Việt Nam ký kết với các đối tác lớn thì các doanh nghiệp in có khả năng nên thực hiện ngay việc chuyển đổi số song song với việc gia tăng chất lượng sản phẩm in. Các bài học trong quá trình phát triển của ngành in Trung Quốc sẽ giúp các chuyên gia hoạch định kế hoạch và các doanh nghiệp in rút ngắn quá trình chuyển đổi và tiết kiệm nhiều chi phí.
Qua các hội nghị, hội thảo và trong các chuyến công tác tại Trung Quốc, tác giả đã cố gắng tổng hợp các số liệu và nghiên cứu các chính sách phát triển ngành in Trung Quốc vì nó rất gần gũi với ngành in Việt Nam trong phân tầng và cấu trúc quản lý ngành. Các số liệu và thông tin trong bài viết này dựa trên số liệu của hiệp hội công nghệ thiết bị và in ấn Trung Quốc, các bài viết của các học giả hàng đầu của ngành in Trung Quốc hiện nay như GS. Qi Yuansheng, Tề Nguyên Sinh…và các tác giả Li Xin, Wan Yuansheng, Trương Vĩnh Phúc, Trương Nha Châu.
- Hiện trạng ngành in Trung Quốc
Làm thế nào để ngành công nghiệp in phá vỡ mô hình công nghiệp ban đầu và chuyển sang mô hình công nghiệp thông minh là một nghiên cứu đầy thách thức đối với cả doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu của Trung Quốc. Ngành công nghiệp in ngày nay luôn phát triển theo hướng chuyển đổi số, thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày một nhiều hơn, động lực cốt lõi của xu hướng này có thể được xem xét từ ba khía cạnh.
-
- Thứ nhất là từ góc độ phát triển kinh tế, hiện nay ngành in của TQ đứng thứ hai thế giới về quy mô, từ năm 2018 giá trị sản lượng đã đạt 1,2 nghìn tỷ RMB (khoảng 167 tỷ USD), với hơn 98.000 công ty và gần 3 triệu lao động. Đây là các con số rất lớn, tuy nhiên, toàn bộ ngành in Trung Quốc vẫn nằm ở mức trung bình và cấp thấp của chuỗi giá trị (1), với lượng lao động có thâm niên cao và hiệu quả bình quân đầu người thấp. So với các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu, 100 công ty in ấn hàng đầu của Trung Quốc tuy lớn nhưng chưa mạnh, thiếu ý thức đổi mới độc lập và năng lực đổi mới, vẫn còn phụ thuộc vào thiết bị cao cấp nhập khẩu.
- Thứ hai, từ góc độ nhu cầu thị trường, khi những ưu điểm của về dân số của Trung Quốc giảm dần, chi phí lao động tiếp tục tăng và hệ thống an sinh xã hội dần được cải thiện, tiêu dùng được cá nhân hóa, đa dạng hóa và kết nối mạng đã đặt ra những tác động to lớn với ngành in. Mô hình sản xuất in truyền thống khó thích ứng với thị trường khiến doanh nghiệp phải chuyển đổi, nâng cấp, theo đuổi phát triển sản phẩm in chất lượng cao, trong đó triển khai ứng dụng số và trí tuệ nhân tạo là con đường duy nhất.
- Thứ ba, từ góc độ phân bố và phát triển các khu vực của ngành in, các khu vực phân phối chính của ngành in không ngừng thay đổi, với việc nâng cấp và chuyển giao công nghệ cũng như những thay đổi trong yêu cầu quản lý bảo vệ môi trường quốc gia, từ khu vực Đồng bằng sông Châu Giang, Khu vực đồng bằng sông Dương Tử và khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, dần dần di chuyển đến khu vực miền Trung và miền Tây, ngành in Trung Quốc đang dần nóng lên ở Hợp Phì, An Huy, Trịnh Châu, Hà Nam, Vũ Hán, Hồ Bắc, Trường Sa, Hồ Nam, Thành Đô, Tứ Xuyên và những nơi khác. Trong quá trình thay đổi như vậy, một trong những nhu cầu của ngành in là có thể kết nối khu vực bằng trí thông minh toàn diện nhằm giảm tác động của thị trường theo khu vực (2).
(1) Chuỗi giá trị được hiểu là một tập hợp các hoạt động gắn liền với quy trình taọ ra sản phẩm/dịch vụ của tổ chức bắt đầu từ việc thu thập, tiếp nhận nguyên liệu đầu vào cho tới trở thành thành phẩm, phân phối vào trong thị trường cùng các hoạt động có liên quan khác.
(2) Điều này cũng giống như ngành In của Việt Nam đang chuyển dịch dần từ khu vực TPHCM – Đông Nam Bộ với hơn 60% sản lượng in từ thập niên 2010-2020 sang khu vực đồng bằng sông Hồng, khu vực duyên hải Bác bộ với các Tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên…
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong ngành in của Trung Quốc đã đạt được một số kết quả bước đầu. Trên bình diện ứng dụng thành quả của quốc tế, Công ty Heidelberg của Đức đã thiết kế hệ thống in kỹ thuật số Versafire có thể thu thập số liệu và hỗ trợ ra quyết định. Dữ liệu thu được từ quá trình xử lý trước khi in được so sánh với cơ sở dữ liệu máy tính để hình thành quy trình xử lý và tự động chọn thiết bị in khác nhau. Công ty In Toppan đã sử dụng công nghệ ZETA để phát triển các giải pháp IoT trí tuệ nhân tạo và cam kết thực hiện việc phát hiện bất thường và dự đoán lỗi của cơ sở vật chất và thiết bị trong toàn nhà máy. Manroland của Đức đã thiết kế hệ thống Print-Network để cung cấp giải pháp tự động hóa toàn bộ quy trình sản xuất in, giải pháp tổng thể bao gồm một bộ đầy đủ các mô-đun từ chuẩn bị trước khi in đến thiết kế quy trình, quản lý màu, kiểm tra trực tuyến và kiểm soát chất lượng in.
Tại Trung Quốc, Công ty TNHH In ấn Quảng Đông Heshan Yatus, Công ty TNHH In Shengtong Bắc Kinh, Công ty TNHH Tập đoàn In Quảng Đông Zhongrong, Công ty TNHH In Hoa Liên Bắc Kinh, Công ty TNHH In Tân Hoa Xã An Huy, và Công ty Xi’an Global Printing Co., Ltd. đã có những nỗ lực xây dựng xưởng in ứng dụng công nghệ số và đã tạo ra hiệu quả khá rõ.
Một số công ty và trường đại học có ngành in đã tiến hành nghiên cứu và triển khai dự án sản xuất thông minh. Ví dụ, Viện Nghệ thuật Đồ họa Bắc Kinh đã đi đầu trong việc triển khai chương trình đào tạo sau đại học tại chỗ về sản xuất in và đóng gói thông minh, đây là nơi đội ngũ kỹ thuật ngành in có thể đăng ký tham gia chương trình đào tạo sau đại học tại chỗ. Các đại học ngành in đã thành lập phòng thí nghiệm sản xuất thông minh và thực hiện nghiên cứu hệ thống và quy hoạch nhà máy thông minh; Đại học Công nghệ Tây An tiến hành nghiên cứu về công nghệ nền tảng đám mây. Dưới sự điều phối của Văn phòng In của Ban In ấn – xuất bản của Ban Tuyên giáo Trung ương, viện Khoa học và Công nghệ In Trung Quốc đã khởi xướng thành lập Liên minh Công nghiệp Sản xuất Thông minh In Trung Quốc và Công ty TNHH In Shengtong Bắc Kinh đã thành lập dây chuyền kiểm tra thông minh “Một cuốn sách”. Công ty TNHH Công nghệ Thiết bị Thông minh Beiren, Công ty TNHH Máy in Thiểm Tây Beiren, Công ty TNHH Công nghệ Thông minh Thiên Tân Ronglian Huizhi, Công ty TNHH Công nghệ Wanbang Bắc Kinh, Công ty TNHH Công nghệ Wulue Bắc Kinh, v.v. đã ứng dụng xây dựng phần mềm tích hợp và chuyển đổi số và áp dụng trong in offset và in bao bì.
120 tài liệu về sản xuất in thông minh và các công nghệ liên quan đã được xuất bản và các nghiên cứu tiến hành phân tích dữ liệu lớn đã được thực hiện. Tuy nhiên, có rất ít dự án lớn, dự án được hỗ trợ từ nguồn vốn cấp tỉnh, bộ trở lên chỉ chiếm 4,5%, có thể thấy rằng hỗ trợ thực tế của chính phủ Trung Quốc cho việc chuyển đổi số và ngành in thông minh ngành cần được cải thiện. Theo tình hình hiện nay, có rất ít nghiên cứu về cấu trúc tổng thể, các kết quả chỉ phân tích cục bộ, các nghiên cứu tương đối nông và chưa đủ sâu. Theo tìm kiếm từ các nguồn tạp chí, có thể thấy rằng có ít tạp chí chuyên ngành và ít bằng sáng chế trong lĩnh vực này. Hầu hết các bài viết đều mang tính giới thiệu và mang tính tổng hợp, ít nghiên cứu về các công nghệ cốt lõi.
Các lĩnh vực quan tâm nghiên cứu chủ yếu là ngành in, máy in sản xuất tại Trung Quốc, trí tuệ nhân tạo, hệ thống điều phối sản xuất, Internet vạn vật và sản xuất thông minh, phản ánh sự chú ý của doanh nghiệp in trong lĩnh vực này; Chưa có nhiều cơ quan nghiên cứu chuyên ngành in, các cơ quan nghiên cứu chủ yếu là Viện Nghệ thuật Đồ họa Bắc Kinh, Nhà xuất bản và Báo chí Quốc gia.
Có nhiều nghiên cứu về sản xuất thông minh cho các ngành công nghiệp, nhưng để có thể áp dụng cho ngành in nó cần phải nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt, các công nghệ của các nước có ngành in phát triển như Đức, Mỹ , Nhật, Thuỵ sỹ, Áo, Ý… có thể không nhất thiết phù hợp với điều kiện của Trung Quốc. Phần lớn các học giả cho rằng việc phát triển và triển khai sản xuất in thông minh phải mang đặc sắc Trung Quốc dựa trên các điều kiện thực tế của Trung Quốc.
- Những vấn đề hiện tại mà ngành in Trung Quốc gặp phải
Qua tham quan, nghiên cứu và số liệu thống kê, chúng ta phải nhìn nhận rằng ngành In Trung Quốc đã có những bước tiến rất lớn và vững chắc, nhiều doanh nghiệp in và bao bì của Trung Quốc đã đạt được tầm mức của thế giới. Trung Quốc đang ngày càng quan trọng đối với ngành in khu vực và toàn thế giới, không chỉ ở việc xuất khẩu ấn phẩm nhiều nhất mà còn rất mạnh ở việc cung cấp thiết bị và nguyên vật liệu. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính phủ, từ mục tiêu lâu dài và bố cục tổng thể, việc chuyển đổi số và triển khai sản xuất in thông minh của Trung Quốc đang đối mặt với ba thách thức:
(1) So với các công ty in tiên tiến của nước ngoài, Trung Quốc chưa thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và khả năng truy xuất trực tuyến nguồn gốc chất lượng còn kém.
(2) Sản xuất tinh gọn với mức độ công nghiệp hóa còn thấp.
(3) Cường độ lao động của nhân viên tuy cao nhưng môi trường làm việc kém; có khoảng cách lớn giữa Trung Quốc và các nước phát triển về hợp tác thiết kế và phối hợp sản xuất, dẫn đến sự trùng lặp trong đầu tư và lãng phí tài nguyên.
Các vấn đề hiện nay trong việc chuyển đổi số và triển khai sản xuất in thông minh:
-
- Giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị sản phẩm in còn thấp, nguyên liệu chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành, dữ liệu thị trường cập nhật chậm, quản lý sản xuất hầu như rời rạc, phản hồi ra quyết định không kịp thời nên không thể đạt được hiệu quả cao và khó sản xuất linh hoạt.
- Hệ thống sản xuất của các nhà sản xuất nước ngoài được trang bị các mô-đun thu thập tín hiệu nhưng chúng chỉ được sử dụng trong các sản phẩm độc lập của từng công ty và không đủ độ mở cho các máy móc và người dùng khác.
- Thiếu sự đánh giá về tác động dọc theo chuỗi cung ứng. Kiến trúc hệ thống nhà máy thông minh ở Trung Quốc vẫn còn ở cấp độ xưởng và trong doanh nghiệp, như vậy tính hệ thống và tích hợp của nó cần phải được cải thiện. Mặc dù các nhà máy in đã xây dựng phần mềm ERP để quản lý chuyển giao nguyên vật liệu, chế bản, in, sau in và hậu cần, nhưng nhận thức thông minh về các thông số trong quy trình chỉ dựa trên dữ liệu ban đầu chứ chưa dựa trên phản hồi trong thực tế sản xuất. Nguồn tín hiệu MES (3) thiếu thông tin và thiếu khả năng dự đoán, đồng thời việc sử dụng các nguồn lực công nghiệp bị giới hạn ở ERP (4). Việc sử dụng quản lý và điều khiển cộng tác mạng để tổng hợp và truyền tải thông tin vẫn đang trong giai đoạn thăm dò, chưa có mô hình và phân tích dữ liệu dẫn đến việc ra quyết định chưa khoa học.
(3) MES: Hệ thống Điều hành Sản xuất cho nhà máy MES (Manufacturing Execution System) là hệ thống phần mềm giám sát khu vực sản xuất, kiểm soát, hậu cần, lịch sử sản phẩm xuyên suốt từ nguyên vật liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra theo thời gian thực. MES là một hệ thống tích hợp giám sát nhiều yếu tố cùng lúc (vật tư, con người, máy móc), quản lý chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
(4) MES và ERP: Đặt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, hệ thống Điều hành sản xuất MES là công cụ trung gian giữa Hệ thống Điều khiển giám sát & Thu thập dữ liệu (SCADA) với Hệ thống Hoạch định Tài nguyên doanh nghiệp (ERP) và Hệ thống Điều khiển quá trình tự động hóa máy móc (PLC). Các hệ thống này đều đóng vai trò thiết yếu trong quá trình tự động hóa các ngành công nghiệp sản xuất, quản lý cập nhật tức thời trong quá trình sản xuất đang diễn ra bằng các báo cáo số hóa, thay thế cho việc quản lý sau sản xuất bằng các văn bản báo cáo thủ công.
- Mô hình sản xuất in thông minh tại Trung Quốc
Từ năm 2018, các chuyên gia Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã tổng hợp 9 mô hình sản xuất thông minh điển hình từ 109 dự án trình diễn thí điểm sản xuất thông minh trên phạm vi quốc gia, bao gồm:
-
- Mô hình tùy biến cá nhân hóa quy mô lớn đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa của người dùng;
- Mô hình tích hợp kỹ thuật số cho toàn bộ vòng đời sản phẩm (tập trung vào việc rút ngắn chu kỳ phát triển sản phẩm);
- Mô hình dịch vụ vận hành và bảo trì từ xa dựa trên IoT;
- Mô hình sản xuất hợp tác mạng tập trung vào tối ưu hóa chuỗi cung ứng;
- Mô hình trí tuệ nhân tạo tập trung vào “thông tin cảnh báo” trong hoạt động doanh nghiệp.
- Mô hình nhà máy thông minh phù hợp với điều kiện nhà in và sản phẩm;
- Mô hình truy xuất nguồn gốc vòng đời sản phẩm để kiểm soát chất lượng;
- Mô hình quản lý tối ưu hóa năng lượng của toàn bộ quy trình sản xuất với cốt lõi là cải thiện việc sử dụng tài nguyên năng lượng;
- Mô hình sản xuất hợp tác xã hội dựa trên nền tảng đám mây nhằm phản ứng nhanh đáp ứng nhu cầu thị trường đa dạng & sản xuất linh hoạt.
Ngành in là một ngành sản xuất rời rạc điển hình. Phương thức sản xuất có thể được lựa chọn từ chín phương thức trên tùy theo đặc điểm của doanh nghiệp và sản phẩm. Phương thức sản xuất thông minh của ngành in có thể tập trung vào chế độ tùy chỉnh cá nhân hóa quy mô lớn, chế độ truy xuất nguồn gốc đầy đủ và chế độ phản hồi nhanh. Mô hình sản xuất linh hoạt chủ yếu dùng để đáp ứng nhu cầu thị trường đa dạng, v.v.
- Điểm nổi bật về phát triển ngành in Trung quốc năm 2021-2023
Về mặt xanh hóa, in xanh đã được triển khai, việc sử dụng vật liệu xanh thân thiện với môi trường để in ấn đã được mở rộng hơn nữa, giấy đã được sử dụng thay thế nhựa bên cạnh việc cải tiến quy trình in đã đạt được kết quả đáng kể. Một số doanh nghiệp đã được chọn là nhà máy in xanh cấp tỉnh và cấp bộ, như Tân Hoa Xã Bắc Kinh, v.v.
In kỹ thuật số phát triển nhanh chóng, đặc biệt in phun đã được ứng dụng trong lĩnh vực in sản phẩm giấy, công nghệ in phun tích hợp dần trở thành xu hướng chủ đạo. Về quy trình in, việc kiểm tra và kiểm soát chất lượng in đã dần chuyển từ kiểm tra ngoại tuyến sang kiểm tra trực tuyến và tiếp tục mở rộng.
Về nhà xưởng thông minh, các công ty như Zhongshan Zhongrong, Thiên Tân Haishun, An Huy Tân Hoa Liên, Bắc Kinh Hoa Liên, Yutong Technology, v.v. đã tăng cường ứng dụng trong tự động hóa đóng gói sau in và kho ba chiều để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như quản lý và kiểm soát chất lượng.
- Các bài học rút ra cho ngành In Việt Nam
Từ các nghiên cứu và phân tích tình hình ngành in Trung Quốc chúng ta có thể rút ra các bài học sau cho ngành In Việt Nam như sau:
6.1. Cần mạnh dạn quy hoạch phát triển nguồn nhân lực:
Số hoá và tự động hoá đã loại bỏ các công việc mang tính thủ công đồng thời tạo ra nhiều công việc mới, nguồn nhân lực cần phải đào tạo lại và nâng cao kỹ năng để phù hợp. Do vậy, cần xây dựng mô hình đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng trong thời đại số cho phép người lao động không phân biệt vùng miền có quyền tiếp cận bình đẳng.
Thúc đẩy các nghiên cứu xác định thực trạng nguồn lực và phát triển nguồn nhân lực dựa trên thực tế của từng doanh nghiệp và cần áp dụng công nghệ số để thực hiện (Hội in TPHCM và học viện PrintMedia Việt Nam – Prima – đang tiến hành, dự trù áp dụng cho ngành In TPHCM cuối năm 2024). Trong khi một số nhà In đang gặp khó khăn do tình hình thị trường suy giảm thì các doanh nghiệp nào có năng lực vẫn nên tiếp tục phát triển nguồn lực của mình theo định hướng phát triển thay thế thị trường Trung Quốc trong thời gian sắp tới.
6.2. Cần đầu tư nghiên cứu để ngành In phát triển phù hợp với thực tiễn:
Chúng ta chưa có đơn vị nghiên cứu hay các nghiên cứu mang tính tự phát và chưa có chiến lược cụ thể. Bài toán thiếu ngân sách hay thiếu nguồn lực cần được giải quyết bằng cách xã hội hoá các nguồn lực sự điều hành của nhà nước và tập trung cho các đơn vị có khả năng. Các nghiên cứu cần phải làm ngay gồm:
-
- Nghiên cứu thực trạng ngành In Việt Nam với các số liệu cụ thể. Chúng ta không thể làm được gì nếu chưa biết “Ta là ai ? và Ta đang ở đâu?” Các đơn vị nghiên cứu và các hiệp hội không thể tự làm việc này nếu không có sự trợ giúp của các cơ quan quản lý nhà nước và sự tự giác đóng góp số liệu của doanh nghiệp in. Chúng ta nên tạm dừng việc quy hoạch phát triển hay các nghiên cứu quá lớn để dồn ngân sách làm việc này trước nếu không các chính sách chỉ là sự phỏng định ngây thơ.
- Từ dữ liệu đúng về ngành In, yêu cầu của thị trường nội địa và của chuỗi cung ứng toàn cầu xây dựng lại chương trình đào tạo theo hướng linh hoạt, ngắn gọn và hiệu quả theo tình hình thực tế của doanh nghiệp. Ngoài chương trình đào tạo tốt thì phải có lực lực giáo viên chuyên ngành in giỏi và cơ sở vật chất đào tạo tốt. Trong lúc chờ thay đổi từ các đơn vị thì nên vận động và xã hội hoá việc đào tạo, đặc biệt là đào tạo bên cạnh doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chủ động xây dựng trường dạy nghề in và bao bì đạt chuẩn thì nhà nước có sẵn lòng miễn thuế cho doanh nghiệp bằng đúng số tiền doanh nghiệp bỏ ra để xây trường, cử giáo viên đi tu nghiệp và vận hành đào tạo không? Xin nhấn mạnh khái niệm “Trường đạt chuẩn”
- Nghiên cứu xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cho quá trình sản xuất in từ nguyên vật liệu đầu vào đến người tiêu dùng trên nền tảng trực tuyến.
- Nghiên cứu triển khai các mô hình nhà in thông minh cho các đơn vị đã sẵn sàng.
- Nghiên cứu các chủng loại sản phẩm như giấy tờ rời, giấy cuộn, màng, carton sóng, vật liệu nhãn mác,…trong in offset, in ống đồng, in flexo, in lụa và các loại khác phương pháp in cho các loại hình công ty in khác nhau.
- Nghiên cứu chuyên sâu về tổ chức sản xuất, quản lý vận hành, hợp tác kinh tế khu vực và liên khu vực, v.v.,
- Nghiên cứu áp dụng trí tuệ nhân tạo nhằm tăng hiệu quả mức độ tự động hóa và số hóa, cơ cấu tổ chức, thiết bị, bố trí quy trình, bố trí nhà máy, môi trường, v.v.
6.3. Cần có Quy hoạch sản xuất in thông minh
6.3.1. Đề xuất các bước lập kế hoạch sản xuất in thông minh
Chiến lược quốc gia “Made in China 2025” đã cho thấy chiến lược phát triển sản xuất của Trung Quốc được chia thành ba giai đoạn: số hóa, kết nối mạng và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, thực trạng của ngành in Việt Nam vẫn còn rất nhiều công việc thủ công, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có được tự động hóa và số hóa tổng thể. Do đó, chuyển đổi số và sản xuất in thông minh của Việt Nam cần được chia thành bốn giai đoạn: tự động hóa – số hóa – mạng hoá – thông minh hóa.
Các bước triển khai chuyển đổi số và tiếp cận nhà máy in thông minh của ngành in Việt Nam cần được chia làm 4 bước:
-
- Bước đầu tiên là đánh giá hiện trạng, tức là tiến hành phân tích đánh giá hiện trạng và các mục tiêu phát triển doanh nghiệp; cũng như khả năng ứng dụng của nhà máy để đánh giá xem nhà máy đang ở giai đoạn nào và sẽ bước vào giai đoạn nào.
- Thông qua việc tự đánh giá, các mục tiêu của giai đoạn tiếp theo được làm rõ, bao gồm việc cải thiện quản lý doanh nghiệp và các yêu cầu hệ thống trọng điểm của nhà máy thông minh.
- Bước thứ ba là hoạch định các biện pháp cụ thể để xây dựng một nhà máy in thông minh hoàn chỉnh.
- Bước cuối cùng là thực hiện các biện pháp cụ thể, là trọng tâm của toàn bộ hệ thống quy trình, bao gồm xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, thực hiện các điều chỉnh linh hoạt dựa trên phản hồi thực tế, thiết lập hệ thống quản lý nhà máy thông minh và hệ thống bảo mật thông tin hoàn chỉnh, v.v.
6.3.2. Tích hợp sản xuất thông minh vào nhà in
Việc triển khai chuyển đổi số và tuệ nhân tạo trong ngành in Việt Nam phải áp dụng theo từng bước nhỏ và bước nhanh, cùng tồn tại nhiều phương thức và chiến lược triển khai theo từng giai đoạn để tự động hóa, số hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại các doanh nghiệp in có đủ khả năng. Một số ứng dụng công nghiệp yêu cầu đầu tư phát triển nhỏ, cho kết quả nhanh và dễ sử dụng có thể nâng cao hiệu quả sản xuất và dần loại bỏ yếu tố con người.
Việc tích hợp sản xuất thông minh vào nhà in nên chia làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu tiên hiện thực hóa nhà máy thông minh là “nhà máy minh bạch”, tức là người quản lý sản xuất có thể nắm được tình hình của nhà máy bất cứ lúc nào.
- Giai đoạn thứ hai là “nhà máy phản ứng nhanh”, tức là xử lý dữ liệu thu thập được và hiển thị chính xác để nhanh chóng xác định các tác động tiêu cực trong trường hợp có bất kỳ thay đổi nào trong xưởng, phản ứng nhanh với sự gián đoạn sản xuất và đưa ra các biện pháp định hướng là rất quan trọng.
- Giai đoạn thứ ba là “nhà máy tự điều chỉnh”, cải thiện các tiêu chuẩn nội bộ của từng quy trình sản xuất dựa trên phản ứng nhanh chóng đạt được.
- Giai đoạn thứ tư là “nhà máy được kết nối hiệu quả”. Giai đoạn này xem xét các quy trình sản xuất có liên quan và các hệ thống khác nhau như PLM, quản lý năng lượng và quản lý nhà máy.
6.4 Sản xuất xanh
Xu hướng phát triển trong tương lai của sản xuất in thông minh là: xanh và sinh thái, chú ý nhiều hơn đến bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, hiện thực hóa quy trình sản xuất xanh, không phát thải chất ô nhiễm, sản phẩm không có tác dụng phụ đối với cơ thể con người và môi trường. Chính phủ cần đưa các điều kiện này vào để đánh giá doanh nghiệp thay vì áp dụng các tiêu chuẩn chung chung như hiện nay.
- Kết luận
Tóm lại, sự phát triển của ngành in Việt Nam trong tương lai là:
-
- Hình thành chuỗi cung ứng ngành in đầy đủ và có khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm, chú ý hơn đến từng giai đoạn của chuỗi sản phẩm, đạt được sự tích hợp ngược dòng và hạ nguồn của ngành.
- Cá nhân hóa, nhân đạo, hướng đến con người nhiều hơn.
- In cá thể hoá số lượng nhỏ để đáp ứng nhu cầu của mọi người về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Rất thông minh, với sự hỗ trợ của thế hệ công nghệ trí tuệ nhân tạo mới.
- Cuối cùng là tiến tới một hệ thống sản xuất in có thể tự nhận thức, tự điều chỉnh, tự tổ chức và tự bảo trì.
Ngành in Trung Quốc mạnh như thế, có kế hoạch cụ thể theo từng chu kỳ 5 năm, đầu tư nhiều như thế mà vẫn thẳng thắn nhìn nhận các khuyết điểm của mình và vẫn quyết tâm thực hiện được việc chuyển đổi số cũng như trí tuệ nhân tạo trong quản lý và vận hành hệ thống sản xuất, đây cũng là đích mà các doanh nghiệp in Việt nam phải dần đi tới.
Làn sóng các nhà In Trung Quốc sang đầu tư tại Việt Nam ngày càng nhiều và họ có những thế mạnh như đã phân tích, trên thực tế đã có doanh nghiệp in Việt Nam làm được điều này và đang hoàn thiện dựa trên các bài học từ ngành in Trung Quốc. Nếu quý vị cho rằng đây là chuyện phù hợp với mong muốn của mình, mình có năng lực thực hiện và quyết tâm thực hiện, hãy bắt đầu ngay bằng kế hoạch phát triển nguồn lực của mình và đóng góp cho các nghiên cứu phát triển ngành In vốn đang bị bỏ ngỏ.
(Bài viết được phép chia sẻ nhưng xin đăng đầy đủ và dẫn đúng nguồn gốc)