Prima.vn - Cổng thông tin điện tử ngành in và bao bì Việt Nam
Trang chủ » XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CHO CÁC CÁN BỘ CHỦ CHỐT CỦA NGÀNH IN (Phần 1)

Chia sẻ

TIN TỨC

XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CHO CÁC CÁN BỘ CHỦ CHỐT CỦA NGÀNH IN (Phần 1)

XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC SỐ CHO CÁC CÁN BỘ CHỦ CHỐT CỦA NGÀNH IN (Phần 1)

1. Đặt vấn đề

Cũng như các ngành công nghiệp khác của Việt Nam, ngành in đang hưởng lợi từ quá trình số hóa, song việc hưởng lợi nhanh hay chậm, nhiều hay ít sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của thị trường lao động, cụ thể là chất lượng nguồn nhân lực của ngành in. Bảng báo cáo phân tích của ngân hàng thế giới năm 2022 cho thấy Việt Nam muốn thành công trong quá trình chuyển đổi số cần phải tập trung nguồn lực nâng cao kỹ năng số của lực lượng lao động trong nước.

Biểu đồ 1: Xếp hạng về kỹ năng số của lực lượng lao động năm 2019

Cho đến nay phần lớn các nhà In đều thấy được lợi ích của việc chuyển đổi số hoặc ít nhất cũng thấy được thành quả chuyển đổi số của các doanh nghiệp thành công. Tuy nhiên, sự thay đổi của ngành In vẫn còn khá chậm. Trong vấn đề này chính phủ luôn đi trước doanh nghiệp, có thể thấy lãnh đạo Bộ TTTT, Cục Xuất bản – In – Phát hành, lãnh đạo sở TTTT cho đến lãnh đạo Hiệp hội in Việt Nam, Hội in TPHCM liên tục vận động các doanh nghiệp chuyển đổi số với nhiều hình thức khác nhau, nhưng kết quả chưa khả quan, chúng ta vẫn quá chậm so với nhà in các nước trong khu vực. Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Theo suy luận logic “Người ta không thể CHO hay DẠY người khác điều mình chưa biết hay chưa có kinh nghiệm”, muốn doanh nghiệp chuyển đổi số thành công thì lãnh đạo doanh nghiệp phải đi đầu và hiểu biết về chuyển đổi số, việc này cũng như thực hiện ISO vì cam kết của lãnh đạo rất quan trọng. Không doanh nghiệp nào thành công khi lãnh đạo hô hào chuyển đổi số trong khi bản thân mình không có năng lực số, hoặc lãnh đạo phân công người khác thực hiện chuyển đổi số khi bản thân nhân viên được phân công chưa có năng lực số. Và đặc biệt “nguy hiểm” hơn nếu nhà in tiến hành chuyển đổi số khi mà hệ thống chưa ổn!

Việc nâng cao kỹ năng số cho người lao động ngành in Việt Nam là trong tầm tay. Nhưng ai sẽ đảm nhiệm việc này? Về lý mà nói, thị trường lao động sẽ điều chỉnh dần theo thời gian vì một khi nhu cầu về lao động có tay nghề tăng cao sẽ làm tăng mức lương tương đối, từ đó khuyến khích người lao động và doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào giáo dục và đào tạo. Nhưng kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh việc thích ứng này có độ trễ nhất định.

Bài viết này bước đầu đề xuất khung năng lực số cho cán bộ chủ chốt tại các nhà In làm tiền đề cho việc nâng cao năng lực số của toàn thể công ty.

 

2. Năng lực và Năng lực số

2.1 Năng lực (competence)

Theo từ điển Tiếng Việt (1998; tr. 322): “Năng lực là phẩm chất tâm lý và sinh lý tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao”.

Nhìn chung, năng lực là khả năng thực hiện có trách nhiệm và hiệu quả các hành động, giải quyết các nhiệm vụ, vấn đề trong những tình huống khác nhau thuộc các lĩnh vực nghề nghiệp, xã hội hay cá nhân trên cơ sở hiểu biết, kỹ năng, kỹ xảo và kinh nghiệm cũng như sự sẵn sàng hành động”

2.2 Năng lực số (digital competence)

Năng lực số là một khái niệm mô tả các kỹ năng liên quan đến công nghệ. Một số thuật ngữ khác nhau được sử dụng để mô tả năng lực số như kỹ năng CNTT và truyền thông (ICT skills), kỹ năng công nghệ (technological skills), kỹ năng thế kỷ 21 (21st century skills), kiến thức thông tin (information literacy), kiến thức số (digital literacy) và kỹ năng học tập số (digital learning skills). Các thuật ngữ này thường được sử dụng đồng nghĩa.

Hình 1: Năng lực số và các khái niệm liên quan

Nguồn: (Ilomäki et al., 2011)

Năng lực số có thể được hiểu là khả năng biết cách sử dụng công nghệ hiệu quả để cải thiện mọi mặt của đời sống. Tuy nhiên, năng lực số không chỉ là một kỹ năng riêng biệt được phát triển mà là một loạt các kỹ năng, khả năng và thái độ được triển khai trên các lĩnh vực và các khía cạnh tri thức khác nhau (Anusca Ferrari & Yves Punie, 2013) (Vázquez-Cano, 2014).

3. Các kỹ năng cần thiết của người làm trong ngành In

Từ những định nghĩa về Năng lực số nói chung (là tổng hợp của nhiều thành tố năng lực) đã nêu ở trên, kết hợp với các đặc thù của ngành in: đặc điểm công nghệ, phẩm chất nghề nghiệp, kiến thức pháp luật liên quan đến ngành nghề…, người nghiên cứu đề nghị bồi dưỡng các thành tố kỹ năng cơ bản cho các bộ chủ chốt của ngành In như bảng dưới đây.

Kỹ năng thông tin Khả năng tìm kiếm, truy cập, quản lý, hiểu, bảo mật và phân loại nội dung được tìm thấy ở các định dạng khác nhau trên web.
Kỹ năng tạo nội dung/

Kỹ năng truyền thông

Khả năng tạo và chỉnh sửa nội dung mới ở các định dạng khác nhau bằng cách tích hợp các thông tin có sẵn. Trong ngành In cần phải đạt mức độ cao hơn các ngành khác.
Kỹ năng giao tiếp Khả năng giao tiếp thông qua các công cụ kỹ thuật số với các thành viên khác của công ty, khách hàng và đối tác trên nền tảng trực tuyến và khả năng cộng tác và kết nối.
Kỹ năng đạo đức Khả năng hiểu các quy tắc liên quan đến quyền sở hữu nội dung và quan hệ với những người tham gia khác trên mạng. Đặc biệt là sự thông hiểu luật xuất bản và luật An ninh mạng.
Kỹ năng giải quyết vấn đề Khả năng giải quyết các vấn đề được tạo ra bởi việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số hoặc các vấn đề phát sinh từ việc sử dụng này. Đặc biệt là cơ sở dữ liệu khách hàng và thiết kế trải nghiệm cho khách hàng.
Kỹ năng công nghệ Khả  năng truy cập vào các công cụ kỹ thuật số chuyên ngành In và có kiến ​​thức kỹ thuật cần thiết để sử dụng chúng. Hiểu được các giải pháp công nghệ in, đặc biệt là in kỹ thuật số và in lai ghép (hybrid).
Kỹ năng chiến lược Khả năng áp dụng các kỹ năng số khác để đạt được thành công cá nhân, nghề nghiệp và cho công ty. Có đủ kiến thức để lên phương án sản xuất sản phẩm In với các công nghệ tạo ra sản phẩm phù hợp, có khả năng phối hợp với các chuyên gia xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho nhà In.

Bảng 1: Các kỹ năng cơ bản cần bồi dưỡng cho lực lượng cán bộ chủ chốt của ngành In.

Cần lưu ý là các thành tố này không được xem là tách rời nhau mà có mối liên hệ với nhau và bổ sung cho nhau.

PGS.TS. Ngô Anh Tuấn – Chủ tịch Hội In TP. Hồ Chí Minh

XEM TIẾP PHẦN 2

111 bình luận

Bình luận